Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo giảm lệ phí trước bạ ôtô, rơ moóc

Dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP (ngày 15/1/2022) của Chính phủ và các Nghị quyết/ Quyết định hiện hành.

Bộ Tài chính có Công văn số 5836/BTC-CST (ngày 7/6) lấy ý kiến cho dự án Nghị định của Chính phủ về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 4019/VPCP-KTTH (ngày 1/6) và Công văn số 4174/VPCP-KTTH (ngày 7/6) của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng Dự án Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Nội dung dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP (ngày 15/1/2022) của Chính phủ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12. Do đó, từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định trước đó.

Theo Bộ Tài chính cho biết việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và kinh tế-xã hội.

Về số thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết thời điểm năm 2020 và năm 2022, dịch COVID-19 trong nước đã dần được kiểm soát song trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, do đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Bên cạnh đó, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.

Theo đó, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân để được hưởng ưu đãi của chính sách. Điều này dẫn đến số lượng tiêu thụ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh nên nguồn thu ngân sách Nhà nước từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị giao tăng đã bù đắp được phần giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng trong giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng được đánh giá là khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020-2022, nhu cầu mua xe của người dân có thể thấp hơn. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chính giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay, khả năng việc tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng sẽ có thể không đủ để bù đắp cho việc giảm lệ phí trước bạ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách Nhà nước của các địa phương.

Tuy nhiên, thực tế số thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước) và số thu lệ phí trước bạ chỉ tăng ở 11 địa phương, trong khi 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương)./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bo-tai-chinh-lay-y-kien-ve-du-thao-giam-le-phi-truoc-ba-oto-ro-mooc/867175.vnp