Bộ Tài chính giải thể 43 Phòng giao dịch Kho bạc nhà nước

Ngày 12/9, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đẩy mạnh cải cách hành chính và công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của Bộ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Trần Quân cho biết, tính từ 1/1/2017 đến hết ngày 31/8/2018, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Luật, 2 Nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 71 Nghị định, 11 Quyết định; soạn thảo và ban hành theo thẩm quyền 210 Thông tư.

Trong đó, có thể kể đến một số văn bản đã tác động mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và là cơ sở pháp lý để đơn giản hóa thủ tục hành chính như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công,...

Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã ban hành 20 Quyết định và công bố 258 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; trong đó, đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 thủ tục hành chính và bãi bỏ 20 thủ tục hành chính.

Từ những kết quả đó, trong năm 2018, tại hội nghị Công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã công bố báo cáo đánh giá nhóm thủ tục hành chính thuế đứng thứ nhất, nhóm thủ tục hành chính hải quan đứng thứ 3 trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đưa vào đánh giá.

Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có đến 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan Thuế trong những năm qua.

Không chỉ cải cách thể chế và thủ tục hành chính, vừa qua, Bộ Tài chính cũng tập trung vào cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hợp lý theo nguyên tắc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Cụ thể, đó là triển khai kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giải thể 43 Phòng giao dịch Kho bạc nhà nước thuộc Kho bạc nhà nước cấp tỉnh; giải thể Chi cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo trực thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, lĩnh vực thuế đã triển khai mở rộng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử trên 63/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan Thuế tại thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nghiên cứu thực hiện phương thức điện tử đối với các dịch vụ: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ cá nhân; dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện.

Đối với lĩnh vực hải quan, duy trì, đảm bảo vận hành thông suốt, ổn định 24/7 hệ thống VNACCS/VCIS. Về triển khai cơ chế một cửa quốc gia, tính đến 15/8/2018 đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối với 68 thủ tục hành chính với trên 1,4 triệu bộ hồ sơ và trên 23.400 doanh nghiệp tham gia. Việc triển khai cơ chế một cửa ASEAN đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan)

Bộ Tài chính nhận định, việc cải cách thủ tục hành chính đã được đẩy mạnh bằng việc xây dựng các văn bản có quy định thủ tục hành chính theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính. Cùng đó, đánh giá tác động thủ tục hành chính đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giản, đơn giản hóa thủ tục hành chính chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cải cách hành chính vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính tính ổn định chưa cao. Một số văn bản còn phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Số lượng thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính còn lớn (961 thủ tục hành chính); việc công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn hạn chế.

Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân của hạn chế nêu trên gồm cả chủ quan và khách quan nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là thủ trưởng một số đơn vị chưa coi trọng công tác cải cách hành chính, chưa chủ động triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo phân công nên đã ảnh hưởng đến kết quả chung của Bộ. Việc tổ chức thi hành các nhiệm vụ tác cải cách hành chính còn thiếu sự đồng bộ, toàn diện, trong phối hợp triển khai công việc còn thiếu sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị.

Để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, cần tăng cường chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, cần được đầu tư nghiên cứu có tầm chiến lược; xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng đơn vị.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Đồng thời, phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, cải cách tài chính công theo hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần đảm bảo an ninh tài chính.

Thùy Dương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/bo-tai-chinh-giai-the-43-phong-giao-dich-kho-bac-nha-nuoc-20180912152311124.htm