Bộ Tài chính định rõ mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử theo 02 giai đoạn

Ngày 21/5/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành Quyết định số 844/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025.

Bộ Tài chính nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Nguồn: internet

Bộ Tài chính nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Nguồn: internet

Theo Kế hoạch, mục tiêu tổng quát được Bộ Tài chính đặt ra là hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử của Bộ Tài chính nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phát triển tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới nền tài chính số.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho 02 giai đoạn phát triển:

08 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2019-2020

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Bộ Tài chính; ban hành các văn bản quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành Tài chính, các quy định, quy chế về quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính.

Thứ hai, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính.

Thứ ba, tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thứ tư, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; Cổng thông tin điện tử của ngành Tài chính công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP.

Thứ năm, phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Thứ sáu, tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Thứ bảy, rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.

Thứ tám, có kết nối hệ thống mạng của Bộ Tài chính với mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

07 mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2025

Một là, tiếp tục phát triển các hệ thống nền tảng phát triển chính phủ điện tử, nghiên cứu, phát triển các giải pháp kết nối với các hệ thống thông tin của các nước trong khu vực ASEAN cũng như một số nước trên thế giới theo quy định, thông lệ quốc tế; hoàn thành triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.

Hai là, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử.

Ba là, tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng dịch vụ công quốc gia (trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia);

Bốn là, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Năm là, 60% các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Sáu là, 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Bảy là, 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Bộ Tài chính được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Ngọc Ánh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/bo-tai-chinh-dinh-ro-muc-tieu-phat-trien-chinh-phu-dien-tu-theo-02-giai-doan-307457.html