Chống tội phạm công nghệ mới: Cuộc chiến không khoan nhượng

Trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ thể hiện quyết tâm phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Trong đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.Mặt trái của quá trình này đó là việc xuất hiện các hình thức tội phạm mới với nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm tấn công vào các ứng dụng công nghệ - đây là một thách thức lớn của toàn xã hội trong mục tiêu chuyển đổi sổ. Cuộc chiến này tuy cam go, khó khăn… nhưng với quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, cùng với những giải pháp hợp lý kết hợp việc tuyên truyền nâng cao cảnh giác đề phòng của người dân; cuộc đấu tranh chống các hình thức tội phạm công nghệ mới sẽ thành công - đưa công nghệ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế - xã hội tăng tốc mạnh mẽ.

Bài 1: Chuyển đổi số, khí thế đang lan tỏa

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây tiếp tục là một thông điệp từ phía Chính phủ trong mục tiêu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số và điều này được kỳ vọng tạo thêm khí thế mới cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ để tăng hiệu quả và năng suất.

Động lực để phát triển

Theo Quyết định 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, được đề cập tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chính phủ đánh giá cụ thể chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, người dân là trung tâm của chuyển đổi số và thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. Các lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Công nghệ “nở hoa” nhưng manh nha nguy cơ tội phạm

Diễn biến chung trong cộng đồng thời gian qua cho thấy, chương trình chuyển đổi số đang được doanh nghiệp và người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực đang khai thác khá hiệu quả ứng dụng công nghệ với những loại hình dịch vụ tài chính đã phát triển rất phong phú, đa dạng.

Các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025

- Kinh tế số chiếm 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI); Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Theo ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mục tiêu chính của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao.

Đồng thời, đề án cũng hướng tới đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, hoặc các tổ chức được phép khác, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) Nguyễn Quang Minh cho biết, trong thời gian gần đây, các ngân hàng đã tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu mua trước, trả sau của khách hàng. Trong quý I/2022, số lượng giao dịch trực tuyến trên hệ thống Napas tăng 89%, với giá trị tăng 123% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh toán qua ví điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 - 2021 là 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị. Điều đó cho thấy việc thanh toán qua ứng dụng điện tử gia tăng nhanh chóng.

Diễn biến nêu trên cho thấy, mục tiêu chuyển đổi số quốc gia không chỉ thể hiện ở nội dung đề án, kế hoạch hành động mà đang lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự hưởng ứng đầy khí thế của cộng đồng xã hội trong mục tiêu chuyển đổi số thì những hình thái tội phạm mới đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Bộ Công an mới đây cũng vừa đưa ra cảnh báo, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan công an cũng phát hiện các đối tượng thường sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo. Không chỉ có vậy, nhiều hình thức lừa đảo khác trên không gian mạng cũng xuất hiện nhiều, đặc biệt, tội phạm thường nhắm vào sự thiếu cảnh giác, tâm lý chủ quan hoặc thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chong-toi-pham-cong-nghe-moi-cuoc-chien-khong-khoan-nhuong-105347.html