Bổ sung vitamin E, beta-carotene để phòng bệnh tim mạch, ung thư không cho lợi ích thật sự

Cơ quan về Dịch vụ y tế dự phòng Mỹ (USPSTF) đưa ra khuyến cáo, việc bổ sung vitamin E và beta carotene để phòng bệnh tim mạch và ung thư không có tác dụng thật sự

Theo dữ liệu của cuộc khảo sát về sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Mỹ, 52% người lớn được khảo sát cho biết đã sử dụng ít nhất một loại thực phẩm chức năng trong 30 ngày trước đó và 31% cho biết đã sử dụng thực phẩm bổ sung đa vitamin - khoáng chất.

Tuy nhiên, khuyến nghị mới đây của Lực lượng Đặc nhiệm phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ cho rằng không nên sử dụng beta carotene hoặc vitamin E và vitamin tổng hợp để phòng ngừa bệnh tim mạch hoặc ung thư bởi không đủ bằng chứng để xác định lợi ích.

Cụ thể, mới đây Cơ quan về Dịch vụ y tế dự phòng Mỹ (U.S. Preventive Services Task Force – viết tắt USPSTF) công bố không ủng hộ việc dùng beta-carotene và vitamin E với mục đích dự phòng bệnh lý tim mạch và ung thư.

Khuyến nghị được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Cơ sở lý luận của USPSTF cho khuyến nghị này như sau: " Có đầy đủ bằng chứng cho thấy chất bổ sung beta carotene, vitamin E hay vitamin tổng hợp không mang lại lợi ích gì trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch hoặc ung thư."

 Việc bổ sung beta carotene hoặc vitamin E và vitamin tổng hợp để phòng ngừa bệnh tim mạch hoặc ung thư không cho hiệu quả như mong muốn. Ảnh minh họa

Việc bổ sung beta carotene hoặc vitamin E và vitamin tổng hợp để phòng ngừa bệnh tim mạch hoặc ung thư không cho hiệu quả như mong muốn. Ảnh minh họa

Khuyến cáo của USPSTF nhằm tới các đối tượng là người trưởng thành không mang thai và người trên 60 tuổi. USPSTF cũng nêu rõ, cảnh báo này không hướng tới các đối tượng là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý mạn tính, người bị suy dinh dưỡng.

U.S. Preventive Services Task Force là tập hợp các chuyên gia bao gồm một số bác sỹ gia đình, các nhà dịch tễ học, có nhiệm vụ đưa ra các khuyến cáo trong lĩnh vực y học dự phòng ở Mỹ. Các quyết định của USPSTF độc lập với chính quyền Mỹ, tuy nhiên, có giá trị tham vấn về lâm sàng cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quốc gia này.

Trong báo cáo gần đây nhất, hội đồng USPSTF đã phân tích dữ liệu từ 6 thí nghiệm ngẫu nhiên về tác dụng của beta-carotene và 9 thí nghiệm về vitamin E.

Chia sẻ với tờ The Conversation, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và bệnh lý tim mạch Katherine Basbaum - Đại học Virginia làm rõ một số thông tin về khuyến cáo của USPSTF.

Các chất chống oxy hóa như beta-carotene và vitamin E có thể cải thiện tình trạng viêm và stress oxy hóa – 2 tác nhân chính làm tăng nguy cơ hình thành ung thư và bệnh tim mạch. Nhóm bệnh lý này cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Từ trước đến nay, nhiều người lựa chọn bổ sung 2 dưỡng chất này nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh.

Thế nhưng, theo kết luận của các chuyên gia đến từ USPSTF, khi sử dụng để phòng ngừa bệnh lý tim mạch và ung thư, "beta-carotene có nhiều tác hại hơn là lợi ích". Đồng thời, bổ sung vitamin E "không đem lại tác dụng thực sự" với việc dự phòng ung thư và bệnh tim mạch.

Dựa trên các bằng chứng thu được, USPSTF kết luận rằng, bổ sung beta-carotene liều cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở những người đã có nguy cơ ung thư cao (người hút thuốc lá, người phải tiếp xúc với abestos - còn gọi là amiăng - trong quá trình làm việc).

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm đối tượng này có nguy cơ mắc ung thư phổi và tử vong do bệnh tim mạch khi dùng 20-30mg beta-carotene/ngày. Trong khi đó, liều lượng khuyến cáo với dưỡng chất này chỉ là 6-15mg/ngày.

Beta-carotene là dưỡng chất tạo nên màu đỏ và cam đặc trưng của thực vật, đồng thời là dạng tiền chất của vitamin A. Vitamin E và beta-carotene có trong nhiều loại rau củ quả như cà rốt, khoai lang, cải xoăn, rau chân vịt, cải cầu vồng và quả bơ. Liều lượng các dưỡng chất này trong chế độ ăn thấp hơn nhiều lần so với dạng thực phẩm bổ sung.

USPSTF nhấn mạnh, 2 dưỡng chất này có thể sở hữu các lợi ích khác với sức khỏe, nhưng sẽ không được đề cập trong nghiên cứu mới công bố. Beta-carotene và vitamin E là các chất chống oxy hóa mạnh mẽ, thường được sử dụng như thực phẩm chức năng với mục đích cải thiện các vấn đề do lão hóa, suy giảm thị lực do tuổi tác hoặc tình trạng viêm do các bệnh mạn tính. Vitamin E cũng được chứng minh giúp củng cố hệ miễn dịch của con người.

Khuyến cáo của USPSTF là động lực thúc đẩy Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) siết chặt việc quản lý, lưu hành thực phẩm chức năng tại quốc gia này. Người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm bổ sung, tránh các thành phần có tương tác tiêu cực với thuốc điều trị hoặc các bệnh lý nền.

Cũng trong nghiên cứu mới nhất này, USPSTF khuyến nghị phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đang có kế hoạch mang thai cần bổ sung 0,4 - 0,8mg acid folic mỗi ngày để phòng ngừa các dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Người cao tuổi cần bổ sung vitamin D, kết hợp calci để phòng nguy cơ té ngã, nứt xương.

Ngọc Nga (T/h)

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/my-khuyen-cao-viec-bo-sung-vi-chat-de-phong-benh-d203020.html