Bổ sung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị ngược đãi, đe dọa với lao động đi làm việc ở nước ngoài

Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, vừa được công bố đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng.

Đáng chú ý, Luật đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, nghiêm cấm việc lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật.

Đồng thời, cấm phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ảnh minh họa (ảnh internet)

Ảnh minh họa (ảnh internet)

Luật cũng cấm lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này; áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này.

Điểm mới quan trọng khác là Luật đã mở rộng đối tượng áp dụng và bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh có thể đăng ký trực tuyển với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để được hỗ trợ và hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Đồng thời, Luật bổ sung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động khi bị ngược đãi, đe dọa; bổ sung quyền được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.

Bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động; Bổ sung cơ chế để hỗ trợ người lao động tiếp cận, đóng góp, thực hiện các thủ tục và nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong thời gian làm việc ở nước ngoài thay vì cơ chế mang tính chất bồi hoàn và phải làm thủ tục khi đã về nước như hiện nay.

Luật cũng quy định nâng cao điều kiện hoạt động dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép nếu không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục…

Luật cũng quy định về việc xây dựng, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật và chia sẻ cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-sung-quyen-don-phuong-cham-dut-hop-dong-neu-bi-nguoc-dai-de-doa-voi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-220572.html