Bổ sung, quy trách nhiệm đối với công an xã, phường trong việc quản lý người lưu trú

Cần nghiên cứu, bổ sung quy trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của cơ sở lưu trú, các đơn vị sử dụng lao động; trách nhiệm của các gia đình có người dân lưu trú…vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều.

Trong đó tập trung: làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú; trách nhiệm quy định chi tiết Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu giữa Cơ sở dữ liệu về cư trú với các cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Sáng ngày 21/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật Cư trú (sửa đổi).

Sáng ngày 21/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật Cư trú (sửa đổi).

Ngoài những nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, giải trình đầy đủ, chi tiết các ý kiến khác của đại biểu Quốc hội. Các nội dung này đã được thể hiện cụ thể tại Báo cáo số 588/BC-UBTVQH14.

Trong đó, một số ý kiến đề nghị cần có quy định để quản lý những người không có nơi cư trú ổn định; bổ sung quy định để đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do, nhất là đối với người dân tộc thiểu số du canh, du cư ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Một số ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách, bảo đảm an sinh xã hội đối với các đối tượng này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên thực tế vẫn có những người không có nơi cư trú ổn định, nhất là những người dân di cư tự do, sinh sống trong các vùng lõi, vùng đệm của rừng đặc dụng, rừng tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc; trong số họ có nhiều người không có giấy tờ nhân thân hoặc tài liệu chứng minh có chỗ ở hợp pháp nên không đủ điều kiện để thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống cũng như khi quay trở về nguyên quán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện quyền cư trú và quản lý cư trú đối với người dân thuộc trường hợp này cần có các giải pháp tổng thể cả về kinh tế - xã hội và về pháp luật. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm ổn định đời sống, trong đó có việc đăng ký cư trú đối với những người dân di cư tự do…

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 19 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ cơ sở pháp lý và thủ tục để thực hiện việc ghi nhận, xử lý các thông tin cá nhân, thông tin về cư trú của các đối tượng nói trên nhằm mục đích quản lý chính xác hơn tình trạng cư trú của công dân, nhất là thông tin về “nơi ở hiện tại”, qua đó, góp phần giúp công tác quản lý cư trú được hiệu quả và sát thực tế hơn, tạo cơ sở để các địa phương bố trí nguồn lực, tổ chức công tác quy hoạch và thực hiện một số chế độ, chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng này…

Nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội cho người lưu trú, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, nêu ý kiến, Quốc hội cần nghiên cứu, bổ sung quy trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của cơ sở lưu trú, các đơn vị sử dụng lao động; trách nhiệm của các gia đình có người dân lưu trú, phải có trách nhiệm ghi thông tin của người lưu trú, thông báo đến cơ quan đăng ký lưu trú để cập nhật thông tin lưu trú, để cơ quan chức năng cập nhật vào cơ sở dữ liệu về cư trú…

Theo chương trình, sáng ngày 21/10, sau Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về Luật Cư trú (sửa đổi); chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-sung-quy-trach-nhiem-doi-voi-cong-an-xa-phuong-trong-viec-quan-ly-nguoi-luu-tru-114576.html