Bổ sung quy định về cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Nhờ những quy định tại Luật Quản lý thuế về nguyên tắc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế mà thời gian qua, việc áp dụng QLRR đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả hơn nữa vẫn cần sửa đổi một số nội dung tại Luật Quản lý Thuế sửa đổi.

Cơ chế QLRR mới quy định ở mức nguyên tắc, chưa bao quát toàn diện chức năng quản lý thuế. Ảnh TL.

Theo Tổng cục Thuế, cơ chế QLRR hiện nay mới quy định ở mức nguyên tắc, chưa bao quát toàn diện chức năng quản lý thuế từ: đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế, nợ thuế… Do vậy, để QLRR trong quản lý thuế được hiệu quả, công tác quản lý thuế phải ngày càng hiện đại, tiến tới sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu đã có của ngành và các quy chế trao đổi phối hợp giữa các cơ quan các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, để phù hợp xu thế phát triển chung khi số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng lên trong khi nguồn nhân lực cơ quan Thuế là có hạn, cần lựa chọn việc thực hiện theo dõi, đánh giá người nộp thuế dựa trên cơ sở đánh giá các dữ liệu người nộp thuế đã tự khai, tự nộp và thực hiện kiểm tra quản lý đối tượng không tuân thủ tốt các quy định về pháp luật thuế.

Hơn hết, cần thiết phải bổ sung quy định này để cụ thể hóa về phạm vi, nội dung áp dụng QLRR trong quản lý thuế, thẩm quyền ban hành, trách nhiệm liên quan của cấp thực hiện đảm bảo quyền, trách nhiệm của CQT khi thực hiện áp dụng QLRR trong QLT. Việc này sẽ góp phân công khai, minh bạch các thủ tục đối với NNT, cũng như giảm trừ trách nhiệm của cơ quan thuế khi thực hiện một số công tác trên thực tế hiện nay.

Để đạt được những mục tiêu trên, tại Tờ trình số 14/TTr-BTC đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số điều để công tác QLRR trong quản lý thuế được hiệu quả hơn. Cụ thể, sửa đổi bổ sung Điều 4: Quản lý rủi ro trong các nội dung quản lý thuế ở tất cả các khâu:đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra thuế; thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế và các nghiệp vụ quản lý thuế khác. Đồng thời, bổ sung quy định áp dụng QLRR tại các Điều có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung vào Điều 4 về Thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến quản lý rủi ro: Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, phân loại mức độ rủi ro và việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-sung-quy-dinh-ve-co-che-quan-ly-rui-ro-trong-quan-ly-thue.aspx