Bổ sung quy định cấm nhập khẩu vật nuôi có tác hại đến môi trường

Chiều 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.

Dự án Luật Chăn nuôi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ xây dựng, trình tại kỳ họp thứ 5 vừa qua để các đại biểu Quốc hội thảo luận.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, các đại biểu đã có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm; đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi. Do đó, dự thảo luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Cùng với đó, để kiểm soát các chỉ tiêu an toàn đối với sức khỏe con người ngay trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, bên cạnh việc kiểm soát đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi và hậu kiểm, dự thảo luật đã bổ sung quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Chăn nuôi tại kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý tại kỳ họp trước đã bao quát được đầy đủ các lĩnh vực giống, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh; quy định việc xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi và các hành vi bị nghiêm cấm; đồng thời phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong các hoạt động trên. Những quy định trong dự thảo luật nhằm tháo gỡ những khó khăn trong ngành chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị, bảo đảm môi trường và an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phát biểu ý kiến.

Quan tâm đến điều 12 dự thảo luật về các hành vi bị cấm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng một số quy định về cấm nhập khẩu chăn nuôi như trong dự luật là chưa đầy đủ, vì trong thời gian qua, nước ta nhập khẩu một số vật nuôi có tác hại đến môi trường sống, môi trường sản xuất. Dẫn chứng việc nhập khẩu ốc bươu vàng khiến mùa màng ở nhiều nơi bị phá hoại, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định cấm nhập khẩu vật nuôi có tác hại đến môi trường sản xuất, môi trường sống vào dự thảo luật để có cơ sở pháp lý quản lý chặt chẽ hơn.

Cũng liên quan đến vấn đề nhập khẩu vật nuôi, khoản d điểm 77 quy định: Trường hợp sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và dịch bệnh, phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất cung cấp tại nước xuất khẩu trước khi nhập khẩu. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhận định, quy định này là để ngăn chặn việc để những sản phẩm mất an toàn thực phẩm nhập khẩu vào nước ta nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. “Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tính khả thi của những quy định này, liệu ta có đủ nguồn lực và kinh phí để thực hiện hay không”, đại biểu nêu câu hỏi và đề xuất nên chỉnh lý nội dung này quy định theo hướng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát và cho phép phù hợp với quy định của Việt Nam.

Cho ý kiến về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, một số đại biểu chỉ ra rằng, vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi bao gồm rất nhiều nội dung như xử lý chất thải ở cơ sở chăn nuôi trang trại; xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ; nguyên tắc quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi…

Những vấn đề này đang gây nhức nhối, ảnh hưởng đến đời sống con người nhất là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, tuy nhiên dự thảo luật lại chung chung, thiếu các quy định chế tài, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý tại địa phương; chưa đi sâu, cụ thể về nội dung của các quy định này, trong khi việc xử lý chất thải chăn nuôi nếu không được bảo đảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người và môi trường. Do đó, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương về nội dung này.

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá các ý kiến đóng góp của các đại biểu là rất xác đáng, trách nhiệm, xuất phát từ tình hình thực tế tại các địa phương. Bộ sẽ tập hợp lại toàn bộ ý kiến của các đại biểu, ý kiến nào hợp lý cần phải tiếp thu thì sẽ tiến hành khẩn trương, ý kiến nào không tiếp thu thì Bộ sẽ có sự giải trình cụ thể tới các đại biểu.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/bo-sung-quy-dinh-cam-nhap-khau-vat-nuoi-co-tac-hai-den-moi-truong-553875