Bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước

Bổ sung khoản 8a vào Điều 4 quy định Tổng Kiểm toán nhà nước là một chủ thể tham gia ban hành thông tư liên tịch với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đó là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, vừa được Bộ Tư pháp quán triệt triển khai.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (khoản 5 Điều 5), Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 (Điều 13), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019 (khoản 2 Điều 1) và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (khoản 1 Điều 88) thì Kiểm toán nhà nước (KTNN) có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, khi chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của Luật năm 2015 thì Tổng Kiểm toán nhà nước không có thẩm quyền liên tịch ban hành thông tư, do vậy, việc phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan có liên quan gặp nhiều khó khăn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng nói chung và vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước nói riêng trong phòng, chống tham nhũng.

Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung hình thức thông tư liên tịch với Tổng Kiểm toàn nhà nước. Theo đó, bổ sung khoản 8a vào Điều 4 để quy định Tổng Kiểm toán nhà nước là một chủ thể tham gia ban hành thông tư liên tịch với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Sửa đổi Điều 25 quy định nội dung ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện trình tự, thủ tục về tố tụng và phòng, chống tham nhũng.

Sửa đổi khoản 1 và khoản 5 Điều 110 quy định Tổng Kiểm toán nhà nước là chủ thể có quyền thỏa thuận, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo thông tư liên tịch và là một trong những người ký ban hành thông tư liên tịch.

Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rõ: “Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.

 Lãnh đạo VKSND tỉnh Hòa Bình cùng lãnh đạo TAND tỉnh Hòa Bình ký kết Quy chế phối hợp giữa hai Ngành. (ảnh minh họa)

Lãnh đạo VKSND tỉnh Hòa Bình cùng lãnh đạo TAND tỉnh Hòa Bình ký kết Quy chế phối hợp giữa hai Ngành. (ảnh minh họa)

Về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 148, trong đó: (1) Bổ sung trình tự, thủ tục rút gọn đối với hình thức thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước; (2) Bổ sung quy định về tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, ngoài việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan về dự thảo văn bản như quy định hiện hành; (3) Bổ sung vào hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật “bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp lấy ý kiến”.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/bo-sung-hinh-thuc-thong-tu-lien-tich-giua-chanh-an-tand-toi-cao-vien-truong-vksnd-toi-cao-tong-kiem-toan-nha-nuoc-96645.html