Bổ sung cơ chế bảo lãnh để khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản?

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ủy ban KH,CN&MT) của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu để vừa đảm bảo tính công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, vừa góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo

Làm rõ quy định thẩm định dự án

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay 11/11, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay: Về thẩm định dự án đầu tư xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Chương III, Chương IV), dự án Luật đã phân định rõ hơn trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng; áp dụng nguyên tắc thẩm định song song, đồng thời nhiều nội dung của các chủ thể khác nhau, giảm thời gian thẩm định dự án, thiết kế xây dựng.

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ thêm quy định về nội dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng với thẩm định khi quyết định chủ trương đầu tư; tiêu chuẩn, quy chuẩn, phòng cháy, chữa cháy ở giai đoạn thẩm định dự án và thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở; việc tích hợp các công đoạn trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế và cấp giấy phép xây dựng...

“Đề nghị giữ lại quy định về hồ sơ thẩm định dự án, đồng thời bổ sung kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn, ý kiến nhận xét của chuyên gia và coi đây là một thành phần hồ sơ trình thẩm định dự án, thực hiện đúng trách nhiệm của các chủ thể; quy định về cơ chế tham vấn chuyên gia và cộng đồng dân cư”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.

Bên cạnh đó, đố với dự án đầu tư xây dựng có cấu phần xây dựng phụ thuộc nhiều vào yếu tố công nghệ, theo Ủy ban KH,CN&MT cần cân nhắc việc thẩm định trước hồ sơ thiết kế công nghệ, làm cơ sở thẩm định dự án các giai đoạn tiếp theo; cần quy định cụ thể hơn về tài liệu khảo sát xây dựng trong hồ sơ thiết kế; bổ sung quy định cụ thể xem xét tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong nội dung thẩm định dự án.

Về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng (sửa đổi Điều 62 và 63), Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, cần phân biệt rõ chủ thể sở hữu vốn và chủ thể quản lý vốn; cần làm rõ quy định về vị trí và vai trò của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng.

“Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý dự án, hạn chế việc ủy thác cho Ban quản lý dự án vai trò của chủ đầu tư; không nên giao nhiệm vụ thực hiện tư vấn quản lý dự án đối với dự án khác; cân nhắc việc giao thêm thẩm quyền cho Ban quản lý dự án như thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán với các công trình mà Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Bổ sung quy định cơ chế bảo lãnh thanh toán

Một trong những nội đung được Ủy ban KH,CN&MT phân tích khá kỹ trong báo cáo là quản lý chi phí đầu tư xây dựng (sửa đổi, bổ sung các Điều 132, 136 và 137).

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng bắt buộc áp dụng hệ thống định mức xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với dự án có vốn đầu tư công và cơ chế vận dụng đối với các dự án có vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP; cơ chế định kỳ rà soát, cập nhật, điều chỉnh hệ thống định mức xây dựng.

Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có nguyên nhân là do việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí chưa thực sự phù hợp với các loại dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án có quy mô xây lắp và nguồn vốn khác nhau.

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT phân tích: Việc ban hành hệ thống định mức thường mất nhiều thời gian, công sức và có một số trường hợp khó khả thi do không có đầy đủ các điều kiện cụ thể liên quan đến công trình, thiết bị máy móc, công nghệ, nhân công, vật liệu... làm cơ sở để xây dựng định mức.

Bên cạnh đó, hệ thống định mức xây dựng do các cơ quan nhà nước công bố thường không kịp thời so với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và thị trường. Do đó, mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cập nhật và điều chỉnh nhưng luôn có độ trễ và có sự khác biệt tương đối lớn giữa định mức công bố và thực tế xây dựng.

Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với sự thay đổi trong quy định về áp dụng định mức chi phí; từ cơ chế chủ đầu tư sử dụng, tham khảo, tự nguyện đến cơ chế bắt buộc áp dụng định mức do cơ quan nhà nước ban hành...

“Cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự toán; cập nhật, tuyên truyền, phổ biến, bổ sung các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm thiết kế thi công, nhất là đối với các loại kết cấu, công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng công trình xây dựng, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng nêu rõ, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu để vừa đảm bảo tính công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, vừa góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản thời gian vừa qua chưa có biện pháp khắc phục.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng: Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Nhóm chính sách 1 “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng” gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: Thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng…

Nhóm chính sách 2 “Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng” gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực xây dựng...

Nhóm chính sách 3 “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan” gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: Quản lý đầu tư xây dựng theo nguồn vốn sử dụng; đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quy định về cấp giấy phép đối với công trình quảng cáo...

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bo-sung-co-che-bao-lanh-de-khac-phuc-no-dong-xay-dung-co-ban-115005.html