Bổ sung chức năng giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm

Vừa qua, tham gia đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (dự thảo luật) tại Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, đồng chí Đoàn Tấn Minh – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang cho rằng việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là hết sức cần thiết và đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

 Đồng chí Đoàn Tấn Minh - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang cho rằng việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND tối cao là hết sức cần thiết.

Đồng chí Đoàn Tấn Minh - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang cho rằng việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND tối cao là hết sức cần thiết.

Theo đó, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định kỹ thuật hình sự hiện nay với 10 chuyên ngành (Gồm: 1. Giám định dấu vết đường vân; 2. Giám định dấu vết cơ học; 3. Giám định súng đạn; 4. Giám định tài liệu; 5. Giám định cháy nổ; 6. Giám định kỹ thuật; 7. Giám định âm thanh; 8. Giám định hóa học; 9. Giám định sinh học; 10. Giám định kỹ thuật số và điện tử). Trong đó đặc biệt là giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, đặc biệt từ ngày 1/1/2020 các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, vì vậy, yêu cầu giám định loại việc nói trên ngày càng tăng.

Từ trước đến nay, được biết cả nước mới chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên dẫn đến quá tải. Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2-3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Do đó, nếu cho rằng chỉ cần bổ sung nhân lực, tăng cường trang, thiết bị cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện có của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mà không cần phải thành lập mới tổ chức giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là chưa đáp ứng được nhu cầu khách quan.

Việc bổ sung quy định này nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của Cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao. Khi đó, việc phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang, thiết bị đào tạo bồi dưỡng cũng là phù hợp tất yếu. Điều đó càng đúng đắn với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh quá tải, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng phức tạp, tinh vi như hiện nay.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung chức năng nêu trên cũng phù hợp với mô hình hệ thống các cơ quan điều tra hiện nay.

Vì vậy, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là hết sức cần thiết.

Thanh Phong - Đoàn Tấn Minh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bo-sung-chuc-nang-giam-dinh-tu-phap-nham-dap-ung-yeu-cau-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-89040.html