Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND tối cao là hết sức cần thiết

Một vấn đề nóng đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá của các đại biểu tại phiên thảo luận chiều qua. Đó chính là việc bổ sung chức năng giám định tư pháp (GĐTP) cho 'Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao'

Nói về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao, dự thảo luật bổ sung quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh, các dữ liệu điện tử.

 Đại biểu quốc hội Trần Hồng Hà.

Đại biểu quốc hội Trần Hồng Hà.

Đại biểuTrần Hồng Hà – Vĩnh Phúc khẳng định: Tôi tán thành với quy định này, vì hiện nay tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự mới có ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trong đó việc giám định âm thanh, hình ảnh chỉ có ở đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an. Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Quốc phòng mới chỉ tiến hành giám định tài liệu, chữ viết, chữ ký, dấu vết súng đạn nhưng chưa có giám định về âm thanh, hình ảnh.

Hiện nay toàn bộ việc giám định âm thanh, hình ảnh của các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu tập trung trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Trước yêu cầu giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh ngày càng tăng, nhất là từ ngày mùng 1/1/2020 phải thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiến hành hỏi cung bị can dẫn đến nhu cầu giám định tăng mạnh khi bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng có yêu cầu giám định tính chính xác của dữ liệu ghi âm hoặc địa hình có âm thanh.

Mặt khác, do chỉ có một tổ chức giám định âm thanh, hình ảnh nên nếu có trường hợp kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan hoặc có khiếu nại kết luận giám định thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể trưng cầu giám định lại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên điểm d khoản 5 Điều 2 của dự thảo luật bổ sung Phòng Giám định kỹ thuật sự thuộc VKSND tối cao là một trong những tổ chức giám định tư pháp công lập về hình sự. Nhưng tại khoản 7 Điều 12 của Luật Giám định tư pháp hiện hành giao Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập quy định tại điều này, như vậy có cả Phòng Giám định kỹ thuật sự thuộc VKSND tối cao.

Tôi cho rằng quy định tại khoản 7 Điều 12 chỉ phù hợp với hệ thống các tổ chức giám định tư pháp công lập theo quy định của luật hiện hành gồm các tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương, thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Còn nếu bổ sung Phòng Giám định khoa học kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là một trong những tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự mà vẫn giữ quy định tại khoản 7 Điều 12 là chưa hợp lý. Vì theo quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật Tổ chức VKSND thì Viện trưởng VKSND tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn quy định bộ máy làm việc của VKSND cao và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Do đó đề nghị nghiên cứu, rà soát quy định này để đảm bảo tính thống nhất.

Mặc dù dự thảo luật bổ sung Phòng Giám định khoa học kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự nhưng chưa bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên của tổ chức này. Khoản 1 Điều 9 của luật hiện hành quy định Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật, hình sự hoạt động tại các cơ quan ở trung ương. Khoản 2 Điều 9 mới chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc Bộ mình. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên của Phòng Giám định kỹ thuật sự thuộc VKSND vào dự thảo luật này.

Đại biểu quốc hội Phan Thái Bình.

ĐBQH Phan Thái Bình - Quảng Nam cho rằng: Trước hết, về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao tại Điều 12, tôi hoàn toàn đồng tình với phương án 1 trong dự thảo luật, với lý do như đại biểu Trần Hồng Hà phân tích. Hiện nay khi thực hiện Luật Tố tụng hình sự mới bắt đầu từ ngày 1/1/2020 thì yêu cầu và nhu cầu về giám định kỹ thuật âm thanh tăng rất cao, khi các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành ghi âm, ghi hình, có âm thanh đối với việc hỏi cung bị can.

Hơn nữa để đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử ngày càng cao đó với các loại tội phạm về tham nhũng và các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, riêng tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp thì thuộc trách nhiệm của Cục điều tra VKSND tối cao tiến hành, do vậy việc bổ sung nhiệm vụ này tôi cho rằng là hết sức cần thiết, vì vậy tôi tán thành với phương án này.

Vấn đề thứ hai là sửa đổi, bổ sung Điều 28 tại khoản 10 Điều 1 của luật. Tại khoản 2 Điều 20 quy định: danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc quy định tại khoản 1 điều này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lựa chọn quyết định việc trưng cầu giám định. Trong trường hợp đặc biệt người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện, không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu giám định.

Khoản 2 này tôi đề nghị bỏ đoạn “trong trường hợp đặc biệt người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn, có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã được công bố để thực hiện giám định, nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu giám định”. Bởi vì nếu quy định như thế này thì như thế nào là trường hợp đặc biệt và quy định như này là những người giám định viên không có trong danh sách được quy định tại khoản 2 trong trường hợp đặc biệt vẫn có thể thực hiện giám định, dẫn đến cách hiểu khác nhau và tùy nghi trong áp dụng pháp luật là rất nguy hiểm, vì vậy tôi đề nghị bỏ quy định này, nếu không sẽ rất khó khăn trong vấn đề áp dụng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu.

Kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu cho rằng: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tán thành về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật. Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này chỉ tập trung vào những quy định để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giám định tư pháp, nhất là việc xử lý các vụ án kinh tế và tham nhũng. Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi của dự án luật này.

Đối với quy định Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập, quy định tại Điều 12 của dự thảo luật, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tán thành dự thảo luật bổ sung Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao lập tổ chức giám định tư pháp công lập về âm thanh và hình ảnh.

Đây là vấn đề đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở đề nghị của VKSND tối cao và cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động tố tụng và quy định của pháp luật tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay./.

Xuân Hưng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/bo-sung-chuc-nang-giam-dinh-tu-phap-cho-vksnd-toi-cao-la-het-suc-can-thiet-88720.html