Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Tiếp tục chương trình Kỳ hop thứ 8, ngày 25/11, Quốc hội họp phiên toàn thể cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, trong đó, nội dung thu hút được sự quan tâm cảu nhiều đại biểu Quốc hội là bổ sung quy định 'Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao'.

Cần thiết bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Tiếp tục xem xét, đánh giá tác động khi bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”

Tiếp tục xem xét, đánh giá tác động khi bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án Luật.

Đi vào nội dung cụ thể về bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.

Các đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) Nguyễn Quang Dũng (Đoàn Quảng Nam), Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang),… cho rằng, việc bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh trong dự thảo Luật là phù hợp. Bởi, theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thì hệ thống cơ quan điều tra gồm có cơ quan điều tra của Công an nhân dân, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Do đó, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa để tương đồng với Công an nhân dân, Quân đội nhân dân vừa bổ sung một cơ quan giám định. Việc có thêm cơ quan giám định cũng để có thêm lựa chọn khi trưng cầu giám định, đặc biệt là trong trường hợp giám định lại sẽ cho kết quả khách quan hơn. Mặt khác, việc bổ sung chức năng giám định cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao không làm phát sinh tổ chức bộ máy.

Hơn nữa, theo quy định từ ngày 1/1/2020, khi thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng đặc biệt trong hỏi cung bị can trên phạm vi cả nước sẽ phát sinh yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh với số lượng lớn. Trong khi đó hiện tại cả nước chỉ có Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thực hiện giám định về lĩnh vực này sẽ dẫn đến quá tải. Mặt khác, nếu cho rằng có thể yêu cầu cơ quan giám định kỹ thuật hình sự ngành Công an giám định thì có thể trong nhiều trường hợp sẽ không thuận lợi, kéo dài thậm chí khó mà khách quan nếu đối tượng giám định là các điều tra viên, cán bộ điều tra ngành Công an. Vì thế, việc bổ sung chức năng giám định âm thanh, hình ảnh… trong hoạt động tố tụng là cần thiết, để xác định có bức cung nhục hình, có hành vi tiêu cực trong hoạt động tố tụng hay không.

Làm rõ thêm nhiều nội dung

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu phân tích, điều 12 Luật hiện hành quy định: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện Khoa học hình sự (thuộc Bộ Công an), Phòng Kỹ thuật hình sự (thuộc Công an cấp tỉnh), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (thuộc Bộ Quốc phòng) nên có cần thiết hay không khi bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Cụ thể đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định, cho biết, theo Bộ Tư pháp, hầu hết các nước trên thế giới giám định kỹ thuật hình sự giao cho Bộ Công an. Do đó, đề nghị làm rõ, việc bổ sung này có lãng phí, làm phân tán nguồn lực về con người và cơ sở vật chất hay không, nhất là trong điều kiện chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế.

Hơn nữa, đại biểu cũng nêu thực tế là, năm 2019, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết được 41 vụ, 60 bị can, và không phải vụ nào cũng cần giám định về âm thanh, hình ảnh. Như thế, với số lượng án này, có phải là quá lớn để thành lập riêng phòng kỹ thuật hình sự?

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp, một số đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung vào dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý. Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định 241 vụ việc, nhưng cũng có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy. Nếu đề nghị kiểm toán tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính thì sẽ có thêm một kênh để lựa chọn. Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ các điều kiện để tham gia vào việc giám định này để cho một kết luận mang tính khách quan và chính xác.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-sung-chuc-nang-giam-dinh-tu-phap-cho-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-128823.html