Bổ sung các quy định liên quan đến dự án đầu tư xây dựng khu đô thị

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 18-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật. Đó là, một số quy định tại các Điều 57, Điều 58, Điều 82, Điều 83 về nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với nguyên tắc: Cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, kiểm soát sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tính định mức, đơn giá của các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng.

Ngoài ra, còn thiếu một số quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (dự án có những đặc điểm riêng, khác với dự án xây dựng công trình thông thường như: Quy mô, diện tích chiếm đất lớn, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian thực hiện dự án thường kéo dài, có nhiều chủ thể tham gia, dự án vừa xây dựng vừa kinh doanh, khai thác…).

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng từ yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Do đó, về cơ bản, dự thảo Luật có tính khả thi cao.

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 18-11.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 18-11.

Tuy nhiên, có một số quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể như: phân loại, cấp công trình xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý trật tự xây dựng; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình; bổ sung chế tài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng…

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), Luật Xây dựng hiện nay vẫn còn rườm rà, phức tạp nhưng vẫn có những kẽ hở cho việc thất thoát, đội vốn, chậm tiến độ và chất lượng công trình không bảo đảm. Đại biểu cho rằng “có một nghịch lý rất đáng suy nghĩ”. Đó là công nghệ xây dựng ngày càng cao hơn, chất lượng vật liệu xây dựng ngày càng tốt hơn, người làm trong ngành xây dựng ngày càng giỏi hơn nhưng tuổi thọ công trình xây dựng thì lại ngắn hơn, thậm chí rất ngắn. “Những công trình như Nhà hát lớn hay hàng trăm biệt thự Pháp của Hà Nội sừng sững hàng trăm năm qua đặt ra một câu hỏi. Tại sao hiện nay chúng ta có quá nhiều công trình chưa quyết toán, chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Đây là vấn đề mà Luật Xây dựng phải có phương án để giải đáp”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Quan tâm đến những nét văn hóa phố cổ của một số tỉnh ở nước ta, đại biểu Đào Thanh Hải (TP Hà Nội) đề nghị, Bộ Luật xây dựng cần phải có trách nhiệm rất lớn trong việc điều chỉnh để chúng ta giữ được những nét văn hóa của Việt Nam.

Theo đại biểu, Luật xây dựng (sửa đổi) lần này vẫn chưa đủ chế tài cho việc bảo tồn những nét văn hóa phố cổ. Hiện nay, có 3 địa điểm cần phải bảo tồn cấp 1 thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), TP Hội An và TP Huế, tuy nhiên “trong luật này chưa có quy định cụ thể để có thể vừa bảo tồn, giữ được vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân”. Đại biểu dẫn chứng, đối với người dân khu vực Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), nếu muốn sửa chữa, cải tạo nhà ở bây giờ là điều rất khó khăn. Nhiều nhà đã phải sống hàng mấy chục năm nay trong cảnh không có ánh sáng tự nhiên, thậm chí vẫn còn có những nhà sử dụng những loại hố xí hai ngăn mà không thể và không được phép cải tạo...

Từ đó, đại biểu kiến nghị, Bộ luật này cần phải điều chỉnh để làm sao tạo điều kiện cho người dân song song với việc giữ được nét văn hóa phố cổ. Bộ Xây dựng có thể phối hợp với các địa phương xây dựng 5-7 mẫu thiết kế nhà theo đúng tiêu chuẩn phố cổ để người dân dựa vào đó và được phép sửa chữa, miễn làm sao sau khi xây dựng xong, chúng ta vẫn nhìn thấy được những nét phố cổ...

Ngoài ra, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là về các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chung cư, khu đô thị. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc hình thành các khu đô thị đã có quá trình phát triển lâu dài tại nước ta. Pháp luật về xây dựng hiện hành cũng đã điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng các khu đô thị. Đây là một loại dự án đầu tư xây dựng nói chung nhưng có đặc điểm khác biệt như đa dạng về hình thức và mục tiêu đầu tư, thời gian triển khai dài, nhiều công trình có công năng phục vụ hỗn hợp, có quy mô lớn, có yêu cầu cao về tính đồng bộ kết nối hạ tầng, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội khu vực đầu tư...

Trên thực tế có một số dự án xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang khu đô thị... đang gặp vướng mắc về đồng bộ kết cấu hạ tầng, bàn giao, quản lý vận hành, khai thác dẫn đến chậm triển khai và đưa công trình vào sử dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên và nguồn lực, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Khó khăn chủ yếu là trong pháp luật hiện hành thiếu quy định về lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng có nhiều công trình với công năng khác nhau và nghiệm thu, bàn giao công trình thuộc dự án. Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn này, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định liên quan đến dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cũng là điều hợp lý.

Dẫn chứng tình trạng quá tải các nhà cao tầng trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội), đại biểu Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) cho rằng đây là "điển hình mâu thuẫn" giữa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch hiện hành. Theo đó, quy hoạch cứ làm, còn kết cấu hạ tầng giao thông như thế nào không cần biết. Vì vậy mới xảy ra tình trạng cả trục đường thiết kế ban đầu rất đẹp, nhưng rồi bao nhiêu nhà cao tầng mọc lên, xảy ra ùn tắc giao thông triền miên, đại biểu nêu rõ và nhấn mạnh, luật cần giải quyết được những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/bo-sung-cac-quy-dinh-lien-quan-den-du-an-dau-tu-xay-dung-khu-do-thi-602832