Bờ sông La Tinh sạt lở nghiêm trọng

Khoảng 3 năm trở lại đây, bờ sông La Tinh đoạn qua địa phận thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, H. Phù Cát (Bình Định) bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp và đe dọa tài sản, tính mạng của hàng chục hộ gia đình sống ven sông.

Khoảng 3 năm trở lại đây, bờ sông La Tinh đoạn qua địa phận thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, H. Phù Cát (Bình Định) bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp và đe dọa tài sản, tính mạng của hàng chục hộ gia đình sống ven sông.

Đoạn bờ Nam (ảnh trên) và bờ Bắc (ảnh dưới) sông La Tinh bị sạt lở nghiêm trọng; xã Cát Sơn chỉ gia cố tạm thời nên có thể tiếp tục lở bất cứ lúc nào.

Đoạn bờ Nam (ảnh trên) và bờ Bắc (ảnh dưới) sông La Tinh bị sạt lở nghiêm trọng; xã Cát Sơn chỉ gia cố tạm thời nên có thể tiếp tục lở bất cứ lúc nào.

Bờ sông sạt lở nặng

Đợt lũ lụt cuối tháng 11-2016 khiến 3 đoạn bờ sông La Tinh thuộc địa phận thôn Hội Sơn bị cuốn phăng, gây sa bồi, thủy phá khoảng 20 ha đất sản xuất nông nghiệp của nông dân. Ngoài ra, nước lũ còn nhấn chìm nhiều căn nhà ven sông và đe dọa tài sản, tính mạng hàng chục hộ gia đình ở xóm Sơn Lâm Bắc, Sơn Lặc Tây, Sơn Tuyền, Sơn Văn (thôn Hội Sơn).

Theo thống kê của UBND xã Cát Sơn, 3 đoạn bờ sông La Tinh bị sạt lở có tổng chiều dài khoảng 800m; trong đó, bờ Nam bị sạt lở 2 điểm, điểm sạt lở còn lại ở phía bờ Bắc. Sau khi lũ rút, UBND xã Cát Sơn và nhân dân địa phương khắc phục các đoạn bờ sông sạt lở bằng cách dùng cọc tre, đất, đá, bao cát và bạt ni-lông kè chắn. Từ cuối năm 2016 đến nay, địa phương trích kinh phí gần 600 triệu đồng để gia cố, khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, do chỉ đắp tạm bợ nên hiện các đoạn bị sạt lở ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Nếu không sớm xây dựng bờ sông bằng kè bê- tông xi- măng kiên cố thì có thể sạt lở bất cứ lúc nào; đặc biệt là vào mùa mưa, lũ.

Thực trạng này khiến chính quyền địa phương và người dân luôn thấp thỏm, lo lắng. Ông Nguyễn Đức Thành- Phó trưởng thôn Hội Sơn tâm tư: “3 đoạn bờ sông bị nước lũ cuốn trôi vào cuối năm 2016 hiện chỉ được đắp tạm bằng đất, đá và bao cát. Với tình hình này, nếu mưa kéo dài và xuất hiện lũ lớn thì không thể chống đỡ; bờ sông tiếp tục bị sạt lở là điều khó tránh khỏi. Nếu sự cố xảy ra, hơn 30 ha đất sản xuất dọc 2 bờ sông sẽ bị sa bồi, thủy phá nghiêm trọng. Ngoài ra, hàng chục hộ dân có nhà ở ven sông cũng bị đe dọa tài sản và tính mạng”.

Có dự án khắc phục, nhưng...

Trước nguy cơ bờ sông La Tinh bị sạt lở ngày càng cao, ngành chức năng của tỉnh Bình Định đã lập dự án xây dựng công trình sửa chữa kè hạ lưu kênh xả tràn Hội Sơn; trong đó có các đoạn bờ sông bị sạt lở, với tổng chiều dài gần 1 km. Đây là hạng mục công trình thuộc Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung”; dự kiến sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2019.

Việc thực hiện dự án sẽ giúp chính quyền và người dân xã Cát Sơn vơi đi nỗi lo bờ sông bị sạt lở; yên tâm canh tác, sản xuất, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, điều khiến UBND xã Cát Sơn “đau đầu” là khoản kinh phí phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Bởi khoản kinh phí này tỉnh giao cho địa phương đảm trách, trong khi đó, Cát Sơn là xã miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Bình - cán bộ địa chính xã Cát Sơn cho biết: Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện xây dựng công trình là hơn 1,4 ha. Trong đó, nhiều diện tích đất người dân đang sử dụng trồng lúa, đậu, hoa màu và một số loại cây lâu năm như keo, bạch đàn. Ngoài ra, một số diện tích thuộc đất vườn, trên đất có nhà cửa, cây cối của người dân. Còn theo ông Nguyễn Hữu Nam- Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cát Sơn thì với diện tích đất bị thu hồi và cây cối, tài sản có trên đất, ước tính tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 700- 800 triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn đối với UBND xã Cát Sơn, địa phương đang vô cùng “đau đầu” trong vấn đề này.

“Tới đây, UBND xã sẽ mời các hộ dân có đất bị ảnh hưởng làm việc, công khai thông tin dự án, cũng như chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Qua đó, xã tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình. Địa phương rất mong bà con cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, để dự án sớm triển khai, góp phần ổn định sản xuất và đời sống. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong các cấp, các ngành từ huyện đến tỉnh thấu hiểu khó khăn của địa phương để có hướng xem xét, hỗ trợ”, ông Nam cho biết thêm.

DƯƠNG MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_203118_bo-song-la-tinh-sat-lo-nghiem-trong.aspx