Bỏ sổ hộ khẩu giấy, đổi mới phương thức quản lý cư trú

Sáng 12-5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến với sự điều hành của Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng để tiến hành thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ cơ bản đồng tình với đề xuất bỏ quy định về sổ hộ khẩu.

Nhất trí đổi mới quản lý cư trú

Theo Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày, một trong những chính sách lớn của dự án luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Dự thảo luật bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Cư trú hiện hành.

Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao, đánh giá cao cách tiếp cận theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để đổi mới quản lý, giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại cũng giúp công tác quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, việc quản lý cư trú thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phù hợp với chủ trương triển khai Chính phủ điển tử, Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nước ta thành công là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng quân đội và công an. Lực lượng công an đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt thông tin về dân cư. Nếu quản lý công dân bằng cơ sở dữ liệu điện tử thì công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ còn tốt hơn nữa.

Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt để xác định đúng các đối tượng được thụ hưởng. Nếu có phương thức quản lý dân cư khoa học, rõ ràng, chính xác thì việc xác định đối tượng thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng cũng dễ dàng hơn.

Dưới góc độ kinh tế, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy giúp tiết kiệm lớn về nhân lực, thời gian, chi phí, ngân sách. Vì vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là nên làm.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Rà soát kỹ để bảo đảm tính khả thi

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát, bảo đảm tính khả thi của phương thức quản lý cư trú mới, đặc biệt là việc xác lập số định danh cá nhân; đầu tư, xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ; bảo đảm không gây xáo trộn lớn với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là không gây xáo trộn lớn trong cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Ủng hộ chủ trương quản lý cư trú bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của chính sách này trên 2 khía cạnh.

Thứ nhất, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Thứ hai, để bảo đảm tính khả thi thì đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo báo cáo của Bộ Công an thì dự kiến đến tháng 6-2021 mới đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhấn mạnh rằng ý tưởng quản lý cư trú thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là ý tưởng rất hay, nhưng Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang băn khoăn về nguồn lực triển khai để bảo đảm thi hành quy định khi Quốc hội thông qua.

Dẫn số liệu báo cáo, đến nay, Chính phủ mới bố trí được 1 nửa số vốn trong tổng kinh phí xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ nêu rõ chủ trương sẽ bố trí đủ vốn đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện nay hay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/bo-so-ho-khau-giay-doi-moi-phuong-thuc-quan-ly-cu-tru-617649