Bỏ sổ hộ khẩu giấy, dịch vụ công về giáo dục có khó khăn gì không?

Một số vùng khó khăn, phụ huynh chưa có điện thoại thông minh, không biết dùng công nghệ thông tin sẽ được trường hỗ trợ cho nộp hồ sơ giấy.

Theo quy định tại Luật Cư trú 2020, từ ngày 01/01/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Việc này đã gây ra ảnh hưởng ít nhiều đến công tác thực hiện các dịch vụ công trong giáo dục, đặc biệt là tại các địa phương vùng khó.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, hồ sơ tuyển sinh đầu cấp của các em mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6 trên địa bàn những năm qua bao gồm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy tạm trú, đối với lớp 6 thì có thêm sổ học bạ cấp tiểu học.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Theo bà Vân, khi bỏ sổ hộ giấy và yêu cầu phụ huynh nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến cũng sẽ gặp một số khó khăn ban đầu. Bởi, dù các phụ huynh hiện nay cũng là những người trẻ nhưng tại Thị xã Điện Bàn vẫn còn một bộ phận những người dân nằm ở vùng nông thôn nên chưa có sự tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin tốt.

Do vậy, hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Điện Bàn vẫn đang chỉ đạo các trường phải tạo điều kiện hết mức có thể cho phụ huynh khi không còn sử dụng các văn bản, hồ sơ bằng giấy thuộc các dịch vụ công trong giáo dục.

Như trong một năm đầu áp dụng, nếu phụ huynh chưa sử dụng được các ứng dụng công nghệ thông tin thì trường vẫn sẽ ưu tiên sử dụng các văn bản giấy cho phụ huynh, đặc biệt là yêu cầu các trường không được gây khó khăn cho phụ huynh.

Khi các công tác dần dần được đi vào ổn định thì mới đưa thành quy định bắt buộc vì bất cứ sự thay đổi gì cũng cần phải có thời gian.

Do vậy, bà Vân tin rằng, những vướng mắc trong các dịch vụ công về giáo dục trên địa bàn khi bỏ sổ hộ giấy và thay thế bằng việc nộp hồ sơ trực tuyến sẽ được hạn chế tối đa với sự phối hợp chặt chẽ, luôn sẵn sàng hỗ trợ để tạo điều kiện tốt nhất cho phụ huynh của Phòng và các trường trên địa bàn.

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), việc giảm các thủ tục bằng giấy trong giáo dục theo thời đại công nghệ số hiện nay là hoàn toàn phù hợp vì giúp giảm bớt các gánh nặng giấy tờ cho cả phụ huynh, nhà trường và các phòng chức năng có liên quan.

Hiện, các công tác trong dịch vụ công về giáo dục tại Thị xã Điện Bàn cũng đang thực hiện dần theo hướng số hóa. Các sổ điểm, học bạ của học sinh đã được sử dụng trên ứng dụng công nghệ thông tin và Phòng cũng đang xin ý kiến của tỉnh về việc cập nhật cả giáo án của giáo viên lên hệ thống công nghệ thông tin này. Tuy nhiên, vẫn còn hồ sơ dịch vụ công trong giáo dục như làm thủ tục chuyển trường thì vẫn dùng giấy giới thiệu là văn bản giấy.

Về việc tuyển sinh đầu cấp, năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã thí điểm hệ thống phần mềm tuyển sinh đầu cấp trong hệ thống giáo dục thông minh tại thành phố Tam Kỳ. Do vậy, hiện Thị xã Điện Bàn cũng đang chờ sự chỉ đạo được sử dụng hệ thống phần mềm tuyển sinh đồng bộ trên toàn tỉnh để xin kinh phí thực hiện.

Qua ứng dụng phần mềm tuyển sinh này, phụ huynh, học sinh, trường học và phòng giáo dục sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Thứ nhất, phụ huynh và học sinh có thể nắm được thông tin tuyển sinh của các trường để lựa chọn trường phù hợp; biết trường đúng tuyến để lựa chọn đăng ký học; giảm thiểu được thời gian đi lại, công sức trong quá trình làm thủ tục đăng ký tuyển sinh; theo dõi được quá trình xử lý hồ sơ đăng ký để kịp thời điều chỉnh.

Thứ hai, các trường học có thể dễ dàng truyền thông được thông tin tuyển sinh đến với học sinh và phụ huynh. Từ đó, tiết kiệm được thời gian làm việc với phụ huynh học sinh cũng như kiểm soát được tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ tuyển sinh của trường; việc tổng hợp xử lý báo cáo được nhanh chóng, chính xác hơn; tạo lập được hệ thống cơ sở dữ liệu học sinh.

Thứ ba, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng dễ dàng nắm bắt thông tin tình hình tuyển sinh thông qua số liệu thống kê tuyển sinh được cập nhật tức thời trên hệ thống.

Cũng bàn về vấn đề trên, ông Châu Ngọc Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho hay, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đã kết nối được với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo để qua đó thực hiện các công tác số hóa trong các dịch vụ công về giáo dục vào những năm học tới.

Tuy nhiên, đối với những vùng sâu vùng xa, vùng miền núi như huyện Nam Giang thì chắc chắn những công tác này cũng sẽ gặp những khó khăn ban đầu vì thậm chí, nhiều người dân còn chưa có điện thoại thông minh để sử dụng hay nếu có thì lại chưa biết dùng ứng dụng công nghệ thông tin và đường truyền mạng còn yếu, khó kết nối nên sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, vướng mắc.

Do vậy, với các dịch vụ công trong giáo dục, đặc biệt là công tác tuyển sinh đầu cấp khi bỏ sổ hộ giấy và sử dụng nộp hồ sơ qua phần mềm công nghệ thông tin, Phòng cũng chủ trương với các trường là mỗi trường phân công nhân sự tại đơn vị để hỗ trợ công tác nhập thông tin cho các phụ huynh còn gặp khó khăn.

Ông Vĩnh mong rằng, để các công tác được diễn ra thuận lợi khi bỏ các thủ tục, giấy tờ bằng văn bản giấy cần tăng cường thêm kết nối hạ tầng mạng đến với vùng sâu vùng xa, đặc biệt là những người dân có con em học tập tại các điểm trường lẻ.

Khánh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-so-ho-khau-giay-dich-vu-cong-ve-giao-duc-co-kho-khan-gi-khong-post233911.gd