Bỏ sổ hộ khẩu: Bước chuyển đổi lịch sử của ngành công an

Năm 2021 sẽ đánh dấu bước chuyển đổi lịch sử của lực lượng công an khi chuyển đổi phương thức quản lý giấy tờ thủ công sang phương thức quản lý hiện đại.

Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết bộ này vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết đợt 1 chiến dịch cấp căn cước công dân (CCCD), đánh giá kết quả thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC).

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh năm 2021 sẽ đánh dấu bước chuyển đổi lịch sử của lực lượng công an khi chuyển đổi phương thức quản lý giấy tờ thủ công sang phương thức quản lý hiện đại với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân.

Theo báo cáo, hiện nay Bộ Công an đã đồng bộ vào hệ thống dữ liệu trên 98 triệu thông tin công dân Việt Nam và đang tích cực “làm sạch” dữ liệu để cấp số định danh cho người dân cả nước. Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã thu nhận gần 40 triệu hồ sơ CCCD của người dân, đạt khoảng 79,4% và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD trước ngày 1-7-2021.

Nhiều địa phương đã có kết quả thực hiện tốt như: Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế, Hà Nam… Một số địa phương khác cũng triển khai kịp thời và hiệu quả hướng dẫn của Bộ về thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD đối với nhân khẩu tạm trú là: Quảng Ninh, Bình Dương và TP.HCM.

Báo cáo cũng lưu ý tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, phát hiện nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương. Vì vậy, công an các địa phương phải triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của chính quyền địa phương và tạm dừng cấp CCCD tại các địa bàn cách ly để phòng, chống dịch.

Đối với các khu vực khác, lực lượng công an cần nghiên cứu biện pháp bảo đảm giãn cách phù hợp tại các địa điểm cấp CCCD để vừa phòng, chống dịch và hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD được giao.

Bộ trưởng Bộ Công an tổng kết những bài học kinh nghiệm qua sơ kết đợt 1 của hai dự án. Nổi bật là, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp đi kiểm tra đến tận cấp xã, chỉ đạo sâu sát, cụ thể từng công việc; nơi nào các giám đốc địa phương chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó đạt được kết quả tích cực.

Ngoài ra, công tác chỉ huy chỉ đạo phải thực sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ và Công an địa phương là điểm nổi bật góp phần tạo nên thành công trong thực hiện hai dự án.

Thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được mà phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đối với địa phương còn làm chưa tốt cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém của đơn vị để khắc phục trong thời gian tới với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng yêu cầu cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp bảo đảm 100% dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” trước ngày 1-7-2021 và thường xuyên duy trì cập nhật dữ liệu, thực hiện các giải pháp an ninh, an toàn trong quá trình chia sẻ dữ liệu.

“Quyết tâm hoàn thành mục tiêu cấp 50 triệu CCCD nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình cấp CCCD” – Bộ trưởng nêu.

Bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực kể từ 1-7-2021 tới đây. Việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công (quản lý bằng sổ hộ khẩu) sẽ được bãi bỏ để chuyển sang phương thức quản lý dân cư bằng mã số định danh, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc thay đổi hình thức quản lý này vừa giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân, vừa góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư hiện nay.

Khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân.

Cùng với đó, việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/bo-so-ho-khau-buoc-chuyen-doi-lich-su-cua-nganh-cong-an-983729.html