Bộ sách lớp 1 hơn 800.000 đồng: Kinh doanh giáo dục

Học sinh lớp 1 phải cõng tới hơn 23 đầu sách, đi học mà phải gù lưng cõng sách như bộ đội cõng ba lô thời kháng chiến là đáng lo ngại.

Liên quan tới phản ánh của phụ huynh về bộ SGK lớp 1 có giá hơn 800 nghìn đồng, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm: "SGK phải phục vụ nhu cầu chung, không chỉ hướng tới phục vụ riêng con nhà giàu".

Học sinh lớp 1 chỉ nên học SGK cơ bản. Ảnh minh họa

Học sinh lớp 1 chỉ nên học SGK cơ bản. Ảnh minh họa

Vì điều này, ông Tiến cho rằng giá SGK phải giảm theo lộ trình để ai cũng có thể mua được sách học chứ không phải tìm cách tăng lên.

Chính vì quan điểm trên, ông Tiến nói rõ ngành giáo dục chỉ quy định bắt buộc với những cuốn SGK cơ bản còn sách tham khảo, tự chọn, nâng cao là mua theo nhu cầu của phụ huynh, ai thích, ai có tiền tự mua.

Ông Tiến đặc biệt lưu ý, nhà trường cần tránh tuyệt đối không làm kinh doanh, tức liên kết với các nhà sách, hãng sách, nhét tất cả các đầu sách tham khảo không bắt buộc vào danh mục lựa chọn để tư vấn, định hướng, gây khó dễ hoặc buộc phụ huynh phải mua.

"Vì nhận thức rõ điều này mà Luật Giáo dục đã có quy định rõ, một chương trình có nhiều bộ SGK để cho phụ huynh, học sinh lựa chọn cho phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.

Tôi thấy rất lo trước những thông tin trên, nhất là với những học sinh nghèo họ sẽ lấy tiền đâu để mua sách cho con học?

Trong khi nhiều nước trên thế giới luôn có chính sách đặc biệt miễn SGK, miễn giảm học phí, hỗ trợ cho học sinh thì Việt Nam lại có xu hướng tăng học phí, tăng giá sách, làm giáo dục lại chạy theo kinh doanh, kiếm lợi thì còn đâu tính nhân văn trong giáo dục?", ông Lê Như Tiến đặt câu hỏi.

Nguyên ĐBQH Khóa XIII cũng bày tỏ lo ngại trước chủ trương cải cách giáo dục mới, theo ông Tiến, chủ trương cải tiến giáo dục là nhằm giảm tải chương trình học cho học sinh, giảm tải gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào những diễn biến thời gian qua, ông Tiến cho rằng có nhiều vấn đề chưa ổn.

"Ngày xưa, chưa cải cách giáo dục, cả gia đình chung nhau một bộ sách, một bộ sách có thể được truyền từ đời anh cả, anh hai, tới em út vẫn dùng được, không phải mua.

Bây giờ, mỗi năm một bộ sách mới, tôi thấy rất lãng phí, tốn kém, gây khó khăn cho nhiều gia đình nghèo khó.

Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý cần quan tâm, chỉ đạo thấu suốt vấn đề này. SGK phải phù hợp với nhu cầu cũng như mặt bằng thu nhập chung của cả nước, SGK không thể chỉ hướng tới một nhóm đối tượng nào.

Hơn nữa, mục tiêu cải tiến mà ngành giáo dục hướng tới là giảm tải chương trình, giảm áp lực cho học sinh, tuy nhiên, mới là một học sinh lớp 1 phải cõng tới hơn 23 đầu sách, đi học mà phải gù lưng cõng sách như bộ đội cõng ba lô thời kháng chiến là đi ngược với chủ trương cải cách.

Như thế này là nhồi nhét kiến thức, nhồi nhét SGK, làm mất đi tuổi thơ, mất đi khả năng sáng tạo, tự học của học sinh, biến học sinh thành những người thụ động, thiếu kỹ năng sống", ông Tiến bày tỏ.

Vị chuyên gia cũng nhắc tới câu chuyện ngày càng có nhiều phụ huynh chạy đua theo xu hướng cho con học làm giàu, học làm quản lý, chính từ xu hướng này nên trong ngành giáo dục cũng nảy sinh những dịch vụ chạy theo nhu cầu để kiếm lợi.

Đó là nguyên nhân dẫn tới những bất đồng về quan điểm giữa phụ huynh, nhà trường gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển tâm lý của học sinh.

Điển hình như vụ việc tăng học phí tại trường Quốc tế khiến phụ huynh và nhà trường phải đưa nhau ra tòa, học sinh bị từ chối nhận vào học, gây ra những bức xúc trong dư luận.

Tương tự, SGK cũng vậy, khi còn có tâm lý học nhiều, nhồi nhét nhiều con sẽ trở thành ông to, bà lớn thì sẽ còn có những chuyện bất hợp lý như việc học sinh lớp 1 đã phải cõng tới 23 đầu sách với giá hơn 800 nghìn đồng.

"Học sinh lớp 1 còn ăn chưa no, ngủ chưa tới, cần phải có nhiều thời gian chơi, nghỉ hơn là nhồi nhét thật nhiều kiến thức, bắt học sinh phải học thật nhiều.

Không thể bắt một học sinh lớp 1 phải tiếp nhận cả một kho kiến thức như một sinh viên đại học được, như vậy là phản giáo dục, cần phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ", ông Tiến nói.

Sách lớp 1 hơn 800.000 đồng/bộ: 'Đi ngược chương trình đổi mới'

Không thể ép buộc

Tương tự, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam dẫn lại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ GD-ĐT (Hướng dẫn việc lựa chọn Sách GK trong cơ sở phổ thông) cho biết, chủ trương của Nhà nước là một chương trình có nhiều Bộ sách Giáo khoa, chọn bộ sách nào là do các cơ sở giáo dục được quyền lựa chọn, có sự quyết định của các Ủy ban nhân dân Tỉnh. Đây là một chủ trương đúng đắn.

Hơn nữa, tại Khoản 4 điều 5 của Thông tư 01/2020 có ghi: “Ủy viên Hội đồng chọn là tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông”.

Như vậy, vị đại diện cha mẹ học sinh là người có quyền, có trách nhiệm, phải có ý kiến để xác định sách nhất định phải mua, sách có thể mua thêm nếu có điều kiện.

Vị GS nhấn mạnh, nhà trường không được bắt ép các học sinh phải mua hết các sách trong bộ đó.

Mặt khác, tại điểm a khoản 4 điều 6 của Thông tư nêu trên có ghi về nhiệm vụ quyền hạn của Ủy viên Hội đồng, trong đó có đại diện cha mẹ là thành viên.

Theo đó, đại diện phụ huynh có quyền tham gia các cuộc họp của Hội đồng; tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa; nghiên cứu, đánh giá các sách giáo khoa theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và các tài liệu liên quan do Hội đồng cung cấp.

"Như vậy, nhà trường không thể bắt ép các em mua một đống sách như thế được. Học sinh có quyền có ý kiến. Phụ huynh thấy không hợp lý cũng phải có ý kiến. Một khi phụ huynh học sinh và chính các em học sinh đã có ý kiến thì nhà trường phải thực sự tôn trọng, xem xét giải quyết.

Nếu ai bắt ép là sai, là lãng phí. Phải để các em có thì giờ nghỉ ngơi, trải nghiệm cuộc sống chứ, đâu lại bắt mua một đống sách rồi chẳng để làm gì và cũng chẳng có thì giờ đọc hết được", GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nói.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/bo-sach-lop-1-hon-800000-dong-kinh-doanh-giao-duc-3418609/