Bộ sách đồ sộ về các dân tộc Việt Nam do hơn 100 tác giả tham gia viết

Bộ sách ''Các dân tộc ở Việt Nam'' không chỉ ghi dấu một sự kiện khoa học quan trọng của Viện Dân tộc học, mà còn của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam, hơn 100 tác giả đã tham gia viết.

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam của Viện Dân tộc học do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, là công trình nghiên cứu của Viện Dân tộc học triển khai từ năm 2012 đến nay, dựa trên kết quả của hệ đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, của Hội nghị Thông báo Dân tộc học trong ba năm (2012-2014) và kế thừa thành tựu nghiên cứu của chính các tác giả. Bộ sách do PGS.TS.Vương Xuân Tình chủ biên cùng 102 lượt tác giả khác vừa đạt giải B, Sách Quốc gia lần 2.

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam gồm 4 tập: Tập 1 “Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường” (764 tr.) được xuất bản vào năm 2015; Tập 2 “Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Ka đai” (980 tr.) - năm 2016; Tập 3 “Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me” (1.440 tr.) - năm 2017; và Tập 4, gồm Quyển 1 “Nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao và Tạng - Miến” (907 tr.), Quyển 2 “Nhóm ngôn ngữ Hán và Mã Lai - Đa Đảo” (964 tr.) đã ra mắt bạn đọc vào tháng 3 năm 2018.

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam không chỉ ghi dấu một sự kiện khoa học quan trọng của Viện Dân tộc học, mà còn của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam, hơn 100 tác giả đã tham gia viết.

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam không chỉ ghi dấu một sự kiện khoa học quan trọng của Viện Dân tộc học, mà còn của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam, hơn 100 tác giả đã tham gia viết.

Trong bộ sách này, dân tộc Kinh (Việt) lần đầu tiên được giới thiệu một cách tổng quát, nên được đề cập tương đối toàn diện và không theo cấu trúc khung biên soạn chung. Với các dân tộc khác, trong biên soạn đều có ba nội dung cơ bản: Tổng quan tình hình nghiên cứu; Trình bày, phân tích sự phát triển và biến đổi về kinh tế - xã hội kể từ năm 1986 đến nay; Một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và sự phát triển của tộc người đó.

Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam diễn ra trong 6 năm, từ năm 2012-2018. Mục đích của xây dựng bộ sách này nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời góp phần quan trọng cho việc tổng kết vấn đề nghiên cứu tộc người ở Việt Nam do Viện Dân tộc học khởi xướng (2012-2015), để chỉ ra những thành tựu và hạn chế trong nghiên cứu về tộc người kể từ sau khi công bố bản Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam vào năm 1979; đồng thời xác định phương hướng, nội dung nghiên cứu trong thời gian tới. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu để thực hiện bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam là điền dã dân tộc học và nghiên cứu tài liệu.

Để bạn đọc dễ nắm bắt những vấn đề chung ở các dân tộc của Việt Nam từ năm 1986 đến nay, ngoài “Lời mở đầu” của mỗi tập hay mỗi quyển, trong Tập 1 có bài “Tổng luận nghiên cứu tộc người và một số vấn đề về dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” (67 tr.); và trong Quyển 2 của Tập 4 có bài (thay Kết luận của bộ sách) “Về vấn đề tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” (255 tr.), do Chủ biên thực hiện.

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam không chỉ ghi dấu một sự kiện khoa học quan trọng của Viện Dân tộc học mà còn của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam. Đây là bộ sách thuộc loại hình nghiên cứu cơ bản, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc. Có thể nói, bộ sách này có ba giá trị chủ yếu, đó là giá trị thông tin, giá trị tổng hợp và giá trị tổng kết.

PGS.TS. Vương Xuân Tình (trái) bên cuốn sách đạt giải.

PGS.TS. Vương Xuân Tình chia sẻ: "Khi làm bộ sách này chúng tôi chỉ mong sách được xuất bản. Bộ sách này là sự tham gia của tập thể cán bộ Viện Dân tộc học cùng sự phối hợp của một số chuyên gia từ bên ngoài và được xây dựng trong một điều kiện hết sức khó khăn, hạn chế về kinh phí. Trong quá trình viết sách cũng hết sức tiết kiệm và luôn nỗ lực phát huy, thúc đẩy tinh thần khoa học của nhóm. Thời điểm biên soạn, chúng tôi chỉ mong bộ sách được xuất bản và rất may được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đỡ đầu. Đây là một bộ sách lớn và rất khó có một nhà xuất bản nào có được nguồn lực xuất bản như vậy. Khi sách được xuất bản chúng tôi cũng hết sức vui mừng và không ngờ là trong giải Sách quốc gia năm nay lại được trao giải. Đây cũng là một niềm vui rất lớn của tập thể tác giả".

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/bo-sach-do-so-ve-cac-dan-toc-viet-nam-do-hon-100-tac-gia-tham-gia-viet-605817.html