Bộ sách đồ sộ Lê-nin toàn tập - Di sản của nhân loại gắn với Cách mạng Tháng Mười Nga

Trong cuộc đời 54 năm hoạt động sôi nổi (1870-1924), lãnh tụ thiên tài V. I. Lê-nin đã để lại nhiều di sản vô giá cho nhân loại. Đặc biệt, với bộ Lê-nin toàn tập đồ sộ, Người thực sự đã để lại cho thế giới nói chung và cho cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng những kiến giải triết học, chính trị học, kinh tế học, về xây dựng đảng cách mạng kiểu mới... Đến nay dù đã trên dưới 100 năm vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa soi đường cho nhân loại tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều gắn liền với thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Bộ Lê-nin toàn tập (bản chính thức được dùng hiện nay) được xuất bản theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin trực tiếp thực hiện, gồm 55 tập. Đây là lần xuất bản thứ năm của bộ sách quý giá và đồ sộ này. Lần xuất bản thứ nhất được tiến hành trong thời gian từ năm 1920-1926 với 20 tập, gồm 26 cuốn, trong đó đã in hơn 1.500 tác phẩm của Lê-nin. Toàn tập lần xuất bản đó chưa đầy đủ: nhiều bài của Lê-nin đăng trong các báo Tia lửa, Người vô sản, Sự thật, không ký tên hoặc ký biệt hiệu, đã không được đưa vào vì lúc đó chưa xác định được tác phẩm của Lê-nin; nhiều tác phẩm và thư từ khác của Lê-nin cũng không được đưa vào.

Lần xuất bản thứ 2 và thứ 3, Toàn tập của Lê-nin được tiến hành trong thời gian từ năm 1925-1932. Mỗi lần gồm có 30 tập, trong đó đã in hơn 2.700 tác phẩm. Song cả 2 lần xuất bản này cũng không được đầy đủ.

Lần xuất bản thứ 4 Toàn tập của Lê-nin được tiến hành trong năm 1941 và những năm 1946-1950 (có gián đoạn do cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại). Lần xuất bản này gồm 35 tập (trong đó có hai tập thư), đăng 2.927 tác phẩm. So với lần xuất bản thứ 3, lần thứ 4 đã đưa vào nhiều văn kiện mới (trong đó có 62 văn kiện được đăng lần đầu tiên). Lần này, văn bản của tất cả các tác phẩm của Lê-nin đều được đối chiếu lại với bản gốc, nhờ vậy đã sửa được một số điểm sai lầm và không chính xác trong việc dò đọc những bản thảo, cũng như những lỗi in sai trong những lần xuất bản trước. Nhiều tác phẩm in trong lần xuất bản thứ 4, là theo đúng những bản mới, chính xác và đầy đủ hơn. Một tập tra cứu gồm hai cuốn đã được ấn hành cho toàn bộ lần xuất bản, trong tập đó có những bản chỉ dẫn vấn đề theo vần chữ cái và một số bản chỉ dẫn khác.

Thể theo nguyện vọng của những người đặt mua bản in thứ 4, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin đã ấn hành thêm 10 tập bổ sung cho lần xuất bản ấy. Trong Toàn tập bản thứ 5 có những tác phẩm của Lê-nin trong các lần xuất bản thứ 3 và thứ 4, gồm trên 3 ngàn văn kiện. Tác phẩm đầu tiên của toàn tập là Những biến đổi về đời sống kinh tế trong đời sống nông dân, viết năm 1893. Tập 54 là các tác phẩm được viết cho đến tháng 3-1923, khi sức khỏe của Lê-nin suy kiệt nghiêm trọng, do hậu quả của lần bị ám sát vào năm 1918. Tập 55 là các thư từ gửi cho người thân trong giai đoạn 1893-1922.

Trong lần xuất bản thứ 5 này, có in những bài của Lê-nin đã đăng trên các báo Tia lửa, Tiến lên, Người vô sản, Người dân chủ - xã hội, Sự thật, trong các tạp chí và văn tập bolshevik, cũng như những bài báo và phỏng vấn đăng trên các báo chí Nga và nước ngoài; in những báo cáo và diễn văn của Lê-nin tại các đại hội và các hội nghị quan trọng. Ngoài ra, còn in những tờ truyền đơn, bản tuyên bố, lời kêu gọi, những văn kiện có tính chất cương lĩnh, dự án nghị quyết, những sắc lệnh, lời chào mừng do Lê-nin thảo, những thư từ, điện văn, bút ký ghi chép đàm thoại qua đường dây trực tiếp, những bản tự khai và những tài liệu khác.

Bên cạnh đó, Toàn tập còn in cả những tài liệu chuẩn bị: những dàn bài, bản tóm tắt, sơ thảo, những ghi chú, những điểm bổ chính cho các văn kiện do các tác giả khác viết, cũng như những nhận xét và ghi chú của Lê-nin trong các sách lớn, nhỏ, bài báo của các tác giả, những đoạn trích từ các sách, tạp chí và báo.

Toàn tập còn in Bút ký triết học, Bút ký về chủ nghĩa đế quốc cùng với những tài liệu chuẩn bị cho tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản và bút ký Chủ nghĩa Marx bàn về nhà nước, bản tóm tắt do Lê-nin ghi khi ông nghiên cứu 4 tập thư trao đổi giữa Marx và Engels xuất bản bằng tiếng Đức năm 1913, cùng một số thư từ của Lê-nin gửi các nhà lãnh đạo của Đảng, cùng khá nhiều những văn kiện mới.

Một số văn kiện được in trong toàn tập bao gồm luận chứng của Lê-nin về những nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau, nêu rõ sự lãnh đạo của ông đối với chính sách đối ngoại của Nhà nước Xô Viết, cuộc đấu tranh trước sau như một vì nền hòa bình, vì sự củng cố những mối liên hệ giao dịch với tất cả các nước…

Trong các tập thì tất cả các tài liệu đều được sắp xếp theo ngày tháng viết ra chúng (diễn văn và báo cáo thì xếp theo ngày tháng phát biểu); còn những văn kiện mà ngày tháng viết ra không xác minh được thì xếp theo ngày tháng công bố. Những đề cương và bản tóm tắt của Lê-nin khi viết các tác phẩm, đều được đưa vào những tập có in những tác phẩm ấy, ở một mục đặc biệt của tập, dưới đầu đề chung là Tài liệu chuẩn bị. Thư tín (thư, điện báo, mệnh lệnh, chỉ thị, thư vài dòng...) được tập hợp thành những tập đặc biệt và in vào cuối Toàn tập. Các thư từ của Lê-nin gửi cho những người thân được tập hợp thành một tập riêng (tập 55). Một số tập có phần phụ lục, phần này gồm những đơn từ và những tài liệu khác có tính chất tiểu sử. Văn bản các tác phẩm của Lê-nin một lần nữa đã được đối chiếu với các bản gốc.

Kèm theo Toàn tập còn có phần tham khảo khoa học giúp độc giả trong việc nghiên cứu các tác phẩm của Lê-nin: lời tựa chung cho Toàn tập; lời tựa cho từng tập có phần nhận định tóm tắt bối cảnh lịch sử trong đó các tác phẩm đã ra đời, cũng như có phần trình bày quá trình phát triển của những tư tưởng chủ yếu của Lê-nin chứa đựng trong các tác phẩm đó. Tài liệu tham khảo còn có cả phần thân thế và sự nghiệp của Lê-nin thuộc vào thời kỳ tương ứng với từng tập; phần chú thích về các biến cố lịch sử, về một số sự kiện, về các cơ quan ngôn luận...; phần chỉ dẫn tên người có kèm theo tiểu sử sơ lược của những nhân vật đã nêu trong sách và phần chỉ dẫn các nguồn tài liệu đã được Lê-nin trích dẫn và nhắc tới…

Bộ Lê-nin toàn tập bản tiếng Việt lần đầu tiên được xuất bản vào những năm 1970-1980, do NXB Sự thật, Hà Nội hợp tác với NXB Tiến bộ, Moscow. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 135 ngày sinh của
Lê-nin (năm 2005), NXB Chính trị quốc gia đã xuất bản lại bộ sách này gồm 55 tập và 2 tập tra cứu, theo đúng nguyên bản đã được xuất bản 30 năm trước.

Ngày 16-4-2006, nhân kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Lê-nin, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức đưa toàn bộ 55 tập Lê-nin toàn tập cùng 2 tập sách tra cứu bằng tiếng Việt, đã được số hóa lên internet.

Nghiên cứu bộ Lê-nin toàn tập có thể nhận thấy sức làm việc phi thường của lãnh tụ Lê-nin. Trong khoảng thời gian trên dưới 30 năm, Lê-nin đã viết, phát biểu với số lượng tác phẩm khổng lồ, bằng nhiều thứ ngôn ngữ, về nhiều lĩnh vực, mà hiếm có nhà hoạt động chính trị nào thực hiện được. Nhiều tác phẩm được viết trong thời kỳ ông bị tù đày, giam cầm, phải hoạt động bí mật và liên tục trốn tránh sự truy đuổi của kẻ thù, trong điều kiện thiếu thốn tài liệu. Hay nhiều tác phẩm khác viết trong thời kỳ ông trực tiếp chỉ đạo cách mạng vốn diễn ra rất sôi động với nhiều hoạt động dồn dập; đồng thời có không ít tác phẩm được viết trong lúc sức khỏe ông rất kém, gần như phải nằm liệt giường vào những năm tháng cuối đời. Dù được viết trong hoàn cảnh nào, các tác phẩm của ông vẫn có giá trị định hướng quan trọng không chỉ cho hoạt động cách mạng của Nga và Liên Xô mà còn cho phong trào cách mạng trên thế giới(*).

Nguyễn Minh Hải

* Bài viết này có sử dụng tư liệu trong phần Lời tựa cho toàn tập, Lê-nin toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 2005.

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202011/bo-sach-do-so-le-nin-toan-tap-di-san-cua-nhan-loai-gan-voi-cach-mang-thang-muoi-nga-3029584/