Bỏ rơi trẻ sơ sinh là vi phạm pháp luật và suy đồi về đạo đức

Gần đây, tại các địa phương trong cả nước liên tục xảy ra tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại cổng chùa, nhà người dân. Mỗi trường hợp có độ tuổi khác nhau, có đứa trẻ vừa sinh còn nguyên dây rốn, đứa trẻ khác chỉ được vài tháng tuổi. Lúc bị bỏ rơi các bé được kèm vài bộ áo quần cùng một bức thư có vài dòng nguệch ngoạc hoặc là sự im lặng đáng sợ..., nhưng tất cả có một điểm chung là không rõ tên tuổi, địa chỉ của bé lẫn người thân.

Một đứa trẻ bị bỏ rơi (ảnh có tính chất minh họa).

Một đứa trẻ bị bỏ rơi (ảnh có tính chất minh họa).

Bà Nguyễn Thị Lan- Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam nhận xét: bỏ rơi trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân khác nhau, như người mẹ gặp hoàn cảnh éo le sau khi sinh, gia cảnh quá khó khăn... Tuy nhiên, không thể vin vào những điều kiện khó khăn đó để từ chối việc nuôi dưỡng một sinh linh nhỏ bé do chính mình sinh ra, và đây là điều khó chấp nhận. Gần đây nhất là trường hợp bé gái khoảng 3 tháng tuổi bị bỏ rơi trước cổng nhà người dân tại xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vào ngày 27-5-2020... Trước đó, vào ngày 26-5-2020, một bé trai vừa sinh được hơn 10 ngày, nặng 2,2 kg, được đặt nằm trong một chiếc giỏ nhựa, quấn khăn ấm cẩn thận trên người, cùng một số đồ đạc, quần áo, tã lót trẻ sơ sinh. Đáng chú ý trên người cháu bé có một tờ giấy có ghi nội dung: "Mong chị cưu mang giúp con em với, con sinh ngày 10-5- 2020. Em cám ơn chị". Theo tìm hiểu, hai trường hợp trên vẫn còn may mắn và chỉ là một điểm nhỏ trong bức tranh nghiệt ngã về tình trạng này. Vẫn còn nhiều người mẹ nhẫn tâm khác đã đem đứa con vừa sinh bỏ tại các nơi hoang vắng, như nghĩa địa, bìa rừng... và số phận của những cháu bé đó đã kết thúc trong bi thảm.

Thật đau lòng khi nhận những thông tin như vậy. Bởi, dẫu mới sinh ra, các cháu cũng là một con người, cũng có quyền được chăm sóc, học hành... Theo điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 quy định: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dạy để phát triển thể chất, trí tuệ và đạo đức... Hoặc Luật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm các hành vi: tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em... Ngoài ra, trẻ em có các quyền, gồm: Quyền sống; Quyền được chăm sóc sức khỏe; Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng... Hàng năm, các em cũng có Quốc tế thiếu nhi và Nhà nước ta cũng quy định tháng 6 hằng năm là tháng hành động vì trẻ em. Với những quy định và hành động thiết thực, có thể nói Đảng, Nhà nước, xã hội Việt Nam đã và đang trân trọng, bảo vệ, thực hiện những quyền của trẻ em nhằm đảm bảo cho các em nhận được sự bảo vệ cũng như việc chăm sóc tốt nhất từ người thân, gia đình và xã hội.

Thế nhưng, ở đâu đó trên đất nước Việt Nam này vẫn còn những người cha, người mẹ đang tâm bỏ rơi con mình, thậm chí còn tước đoạt đi mạng sống của cháu bé hoặc trường hợp nhiều bảo mẫu tại các cơ sở mầm non có hành vi ngược đãi trẻ. Với mỗi trường hợp đau lòng như vậy, những bậc làm cha, làm mẹ lại tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, nào là kinh tế khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo... để từ bỏ trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với đứa trẻ. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược với những gì ta thường nghe và chứng kiến. Theo tìm hiểu, đa số những người mẹ, người cha có hành động bỏ rơi trẻ sơ sinh là những "nam thanh nữ tú", nhiều kẻ rơi vào con đường nghiện ngập hoặc sa chân vào các loại tệ nạn xã hội. Mặc dù biết thiên chức làm mẹ là cao cả nhưng với họ hút chích, tiếng nhạc cùng với ánh đèn màu của vũ trường... vẫn hấp dẫn hơn nên họ sẵn sàng "hy sinh", từ bỏ những sinh linh bé nhỏ để chạy theo những đam mê thấp hèn. Ngoài ra, chuyện "ăn cơm trước kẻng" hoặc "tình một đêm" đã và đang trở thành điều bình thường với đại bộ phận thanh thiếu niên hiện nay. Thế nhưng, trước khi quan hệ họ chưa nghĩ đến những hệ quả xấu, như gia đình có chấp nhận hoặc làm gì để nuôi dưỡng con cái... Vì thế, khi phải sinh con trong hoàn cảnh đơn thân, người phụ nữ đành chọn phương thức chối bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng. Theo nghiên cứu của những nhà tâm lý học, lớn lên trong vòng tay của người dưng hoặc sự đùm bọc của xã hội sẽ có khiếm khuyết nhất định trong tâm lý, tình cảm..., điều đó quyết định đến nhân cách của đứa trẻ.

Như vậy, xét về khía cạnh pháp luật, bỏ rơi trẻ sơ sinh là hành vi vi phạm pháp luật. Về đạo đức là sự tha hóa, suy đồi, báo động cho một lối sống buông thả... của giới trẻ đang thịnh hành hiện nay. Thực trạng này đặt ra nhiều câu hỏi cho một số gia đình trong việc giáo dục con cái thực hiện lối sống lành mạnh, bảo vệ những truyền thống, giềng mối... về đạo đức của cha ông để lại. Đối với xã hội cũng có những biện pháp tuyên truyền để từng công dân thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ, quyền lợi của mình đối với gia đình và xã hội. Hy vọng, một ngày không xa những đứa trẻ bị những đấng sinh thành của mình ngược đãi, bỏ rơi sẽ không còn xảy ra.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_225583_bo-roi-tre-so-sinh-la-vi-pham-phap-luat-va-suy-doi.aspx