Bộ quy tắc ứng xử không nhằm mục tiêu hạn chế hay cấm đoán

Việc nhà báo, phóng viên tham gia mạng xã hội, phát ngôn, bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội là xu thế không thể tránh khỏi trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, với vai trò là 'người thư ký của thời đại', người dẫn dắt dư luận, những phát ngôn, nhận định của nhà báo luôn gây sự chú ý lớn từ cộng đồng… Chính vì vậy, việc đề ra một bộ quy tắc có tính pháp lý và phải được thực thi đối với nhà báo khi tham gia mạng xã hội đã được đặt ra và ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết.

Đó sẽ là những quy định như thế nào? PV Báo NB&CL có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT (Bộ Thông tin và Truyền thông) về vấn đề này.

+ Việc nhà báo - cũng là một công dân - tham gia mạng xã hội là điều bình thường. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những thông tin, quan điểm mà công dân - nhà báo đưa ra thường có tác động rất lớn đến công chúng. Theo ông, có cần thiết phải ban hành một bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho nhà báo tham gia mạng xã hội hay không?

- Trong thời gian qua, mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam như Facebook, Youtube phát triển rất mạnh, kéo theo nhiều người dùng ở trong nước, trong đó có sự tham gia của đông đảo các nhà báo.

Như chúng ta đã biết, nhà báo là những người có nguồn tin, có những thông tin nhanh nhạy nên khi tham gia mạng xã hội, một số nhà báo đã trở thành “người nổi tiếng”, được sự quan tâm theo dõi của công chúng. Những phát ngôn, chia sẻ thông tin của họ có tác động ảnh hưởng lớn đến người dân, người dùng mạng xã hội và cả dư luận xã hội nữa.

Thực tế đang diễn ra như vậy nhưng trong thời gian vừa qua, chúng ta chưa có những quy định riêng dành cho nhà báo khi tham gia mạng xã hội. Hiện mới chỉ có những quy định chung về các hoạt động đăng tải thông tin trên mạng xã hội theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Tại khoản 1, Điều 5 của Nghị định 72 có quy định 6 hành vi bị cấm trên mạng xã hội và đó là căn cứ để Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có đối tượng là nhà báo.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, nhà báo là đối tượng có những đặc điểm đặc thù, có sự tác động đến dư luận xã hội lớn nên rất cần có một bộ quy tắc ứng xử cho nhà báo khi tham gia mạng xã hội. Đây cũng là thông lệ trên thế giới. Các tờ báo lớn ở Mỹ, Anh, Pháp cũng đều có bộ quy tắc ứng xử hoặc nội quy riêng của họ đối với phóng viên khi tham gia mạng xã hội.

Hiện nay, Hội Nhà báo đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, trong đó Điều 5 quy định khi nhà báo tham gia mạng xã hội “phải chuẩn mực và trách nhiệm”. Tuy nhiên, quy định như vậy còn khá chung chung, chưa định lượng cụ thể nên gây khó khăn cho nhà báo khi thực hiện và cả khi xử lý những vi phạm. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng Hội cần thiết phải ban hành một bộ quy tắc ứng xử cụ thể đối với nhà báo khi tham gia mạng xã hội.

Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT (Bộ Thông tin và Truyền thông).

+ Vậy khi nào thì bộ quy tắc này sẽ được ban hành, thưa ông?

- Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tháng 11/2017 vừa qua, Quốc hội đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Hiện Bộ đang gấp rút xây dựng, dự kiến sẽ công bố, lấy ý kiến rộng rãi trong quý III năm 2018.

Đây sẽ là Bộ quy tắc chung viết theo hướng “ngắn, gọn, rõ”, không phải để hạn chế người sử dụng mà để phát triển và mở rộng mạng xã hội. Từ những quy tắc chung này, tùy từng đối tượng, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình đặc điểm riêng của mình để xây dựng bộ quy tắc riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

Khuyến khích những việc cần làm và hạn chế tối đa những việc không nên làm và không được làm, góp phần tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, văn hóa, nhân văn và đạo đức, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực.

+ Quy định mới này có cần thiết phải có chế tài xử lý những vi phạm hay không, hay vẫn áp dụng biện pháp vận động, khuyến nghị?

- Tùy tình hình thực tế, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có những biện pháp chế tài cụ thể. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không có quy định cứng về việc này.

Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến của các nhóm đối tượng chịu tác động, ví dụ như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội; các tổ chức, cơ quan, hiệp hội có liên quan nhiều đến mạng xã hội, trong đó có Hội Nhà báo.

Chúng tôi cũng sẽ lấy ý kiến những người nổi tiếng trên mạng xã hội, những chuyên gia về lĩnh vực này cũng như lấy ý kiến rộng rãi từ phía người dân vào dự thảo bộ quy tắc ứng xử.

+ Việc ban hành bộ quy tắc như vậy có trở thành điều cấm, từ đó phóng viên, nhà báo e ngại không dám tham gia mạng xã hội hoặc tìm cách lách, né?

- Chủ trương của chúng tôi khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là nhằm điều chỉnh hành vi của người dùng khi tham gia mạng xã hội để góp phần xây dựng mạng xã hội ngày càng lành mạnh, an toàn và văn minh.

Bộ Thông tin và Truyền thông không có mục tiêu hạn chế hay cấm đoán người dân cũng như các nhà báo sử dụng mạng xã hội và việc ban hành bộ quy tắc này cũng hướng tới mục tiêu đó.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thế Vũ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/bo-quy-tac-ung-xu-khong-nham-muc-tieu-han-che-hay-cam-doan-39013