Bộ Quy tắc ứng xử 2018 và công cụ giám sát lĩnh vực xuất khẩu lao động: Hạn chế đắt đỏ, bóc lột, rủi ro?

Cả nước hiện có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) và có tới 120.000 người đi XKLĐ mỗi năm. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, tình trạng rủi ro, đào tạo sơ sài, chi phí cao gây ra không ít hệ lụy.

Bộ Quy tắc ứng xử 2018 được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa nhiều vấn đề trong lĩnh vực XKLĐ. Ảnh: DOLAB

Việc Hiệp hội XKLĐ Việt Nam (VAMAS) công bố Bộ Quy tắc ứng xử 2018 (COC-VN) đặt ra nhiều kỳ vọng vào những khởi sắc thực sự thời gian tới.

Nhiều tồn tại

Năm 2017, cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,5 triệu người lao động, trong đó hơn 300 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đưa được 134.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm gần 10% số lao động được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, tại Hội nghị công bố COC-VN, thông tin từ đại biểu cho hay lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài đang phải trả chi phí cao nhất trong số các nước phái cử lao động ở Đông Nam Á. Ngoài ra, chỉ có 3% số lao động có khả năng áp dụng những kỹ năng mới sau khi về nước.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam - cho rằng lao động di cư góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của Việt Nam qua nguồn tiền lớn chuyển về nước nhưng hiện vẫn còn nhiều thách thức trong bảo đảm sự đóng góp của lao động di cư vào phát triển. Việc khuyến khích các doanh nghiệp tự đưa ra quy định của mình nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tuyển chọn, đặc biệt là khi lao động di cư từ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên trong bối cảnh hòa nhập kinh tế khu vực sâu rộng ở ASEAN.

Ông Chang-Hee Lee kỳ vọng, việc thực hiện COC-VN 2018 sẽ chú trọng vào giải quyết những thách thức và sự phân biệt đối xử mà người lao động di cư phải đối mặt. ILO cũng khuyến khích doanh nghiệp tuyển chọn có biện pháp giảm phí cho người lao động và hướng tới mô hình “không phí” theo tinh thần Công ước về Dịch vụ việc làm tư nhân 1997.

Trong khi đó, theo VAMAS, riêng số doanh nghiệp tham gia COC-VN tuy chỉ chiếm 34% trong tổng số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đã đưa được gần 70% số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2017.

Doanh nghiệp làm đúng đã không cần Bộ Quy tắc này

Ông Lâm Xuân Lộc - Giám đốc Công ty CP Xây dựng, cung ứng nhân lực và Xuất nhập khẩu (TAMAX) - cho biết, doanh nghiệp này đã tham gia COC từ năm 2017. “Theo hướng dẫn của VAMAS, chúng tôi tra soát lại nội dung để hoàn thiện. Các khung quy định của COC gần như một bộ tiêu chuẩn để doanh nghiệp theo hướng chuẩn hơn. Dù hoàn thiện các quy định thì những rủi ro tiềm ẩn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nhưng không phải dễ dàng đáp ứng yêu cầu trong một sớm một chiều. Trong khi đó, nếu thấy khó mà đứng ngoài thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải”.

Trao đổi với PV Lao Động chiều 1.5, ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch VAMAS - cho hay, dù COC-VN năm 2010 đã khá toàn diện nhưng sau này có 1 số công ước quốc tế nên COC-VN 2018 phải cập nhật. Đáng lưu ý là COC-VN lần này cập nhật thêm chuẩn mực của ILO và một số chuẩn mực quốc tế, nòng cốt là đề cập nhiều hơn đến bảo vệ lao động nữ, đặc biệt lĩnh vực nhạy cảm như giúp việc gia đình. Công cụ này khiến trách nhiệm của doanh nghiệp càng cao hơn vì trước đây giúp việc gia đình chưa đưa vào các nội dung cụ thể, lần này rất chi tiết. Theo đó, doanh nghiệp tiếp cận sẽ thấy cái nào cần tránh ngay từ đầu để hạn chế rủi ro. “Thực tế, những tồn tại lâu nay xuất phát từ phía người lao động cũng có, có người đi XKLĐ vì khoản hỗ trợ mấy chục triệu để trả món nợ nào đó, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều làm đúng. Nếu doanh nghiệp làm đúng cả thì có lẽ không cần COC này” - ông Trào nói.

Về những tồn tại nhức nhối của lĩnh vực XKLĐ thời gian qua, ông Trào cho rằng những tồn tại này do 3 bên: Người lao động, nhà nước, doanh nghiệp. Phương án tốt nhất là cơ quan nhà nước cố gắng và tiếp cận sát thị trường, đổi mới tiệm cận thực tiễn để doanh nghiệp bám sát thực tế thị trường. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm trong doanh nghiệp và người lao động phải làm minh bạch, công bằng. “Lâu nay có xử lý doanh nghiệp sai phạm bằng nhiều hình thức như tạm đình chỉ, rút giấy phép nhưng gần như chưa với tay đến sai phạm của chính người lao động. Nhà nước nên làm công bằng để tạo sân chơi ai cũng có trách nhiệm” - ông Trào chia sẻ.

Về cơ chế giám sát, cùng với các thành viên giám sát trong Hiệp hội VAMAS, quá trình giám sát và đánh giá của Bộ Quy tắc cũng bao gồm chính người lao động, đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH). Các nguồn thông tin cơ bản cho công cụ giám sát được đề xuất gồm: Tự đánh giá của doanh nghiệp, rà soát tài liệu, giám sát thực địa và đối chiếu với Hội đồng giám sát và đánh giá Bộ Quy tắc chịu trách nhiệm đánh giá việc tuân thủ của các doanh nghiệp.

Riêng thông tin chi phí XKLĐ tại Việt Nam quá cao, ông Trào cho rằng cần có sự so sánh toàn diện về mức phí. Lý do, mức phí có thể phụ thuộc trình độ người lao động, bao gồm kỹ năng nghề, sức khỏe, tính tuân thủ pháp luật, không bỏ trốn. Muốn làm được vậy, cần sự hợp tác từ nhiều phía: Học viên, doanh nghiệp. Mức phí được các doanh nghiệp đàm phán thấp hơn khi lao động đáp ứng tiêu chuẩn tốt về trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ và tuân thủ pháp luật.

QUỲNH CHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/bo-quy-tac-ung-xu-2018-va-cong-cu-giam-sat-linh-vuc-xuat-khau-lao-dong-han-che-dat-do-boc-lot-rui-ro-604546.ldo