Bộ Quốc phòng: Xây dựng lực lượng dự bị động viên làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng

Chiều nay (28-5), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV).

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Lực lượng DBĐV

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Lực lượng DBĐV

Xây dựng lực lượng dự bị động viên tinh gọn, hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, xây dựng lực lượng DBĐV; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số quy định khác liên quan đến lực lượng DBĐV. Trong khi đó, Pháp lệnh về lực lượng DBĐV chưa quy định, hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng DBĐV nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ.

Nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Luật được xây dựng với mục đích xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguồn quân nhân dự bị (QNDB) tuy nhiều nhưng phân bố không đều; tập trung nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, các thành phố lớn; các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam việc tổ chức các đơn vị DBĐV gặp khó khăn do chất lượng chuyên nghiệp quân sự (CNQS) của QNDB đạt thấp. Sỹ quan dự bị thiếu so với yêu cầu do đầu vào hạn chế, số giải ngạch nhiều hơn số đăng ký vào ngạch...

Thực tiễn đòi hỏi, huy động lực lượng DBĐV tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định trong Pháp lệnh.

Chủ động ngăn chặn, đối phó trong mọi tình huống

Chế độ, chính sách đối với QNDB quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội, chưa bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng được hưởng trong cùng hoàn cảnh, cùng điều kiện và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

“Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh nâng thành Luật lực lượng DBĐV, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn, nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng DBĐV do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - Võ Trọng Việt trình bày khẳng định, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, ông Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương I, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của lực lượng DBĐV để làm cơ sở để xây dựng các nội dung khác của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị rà soát Chương III, để quy định bảo đảm sự công bằng về chế độ, chính sách, động viên lực lượng DBĐV hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, một số nội dung chỉ quy định khái quát, tránh chồng chéo với các luật khác; đề nghị sửa lại tên Chương IV và rà soát nội dung các điều luật cho phù hợp.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi; quy định cụ thể về cơ chế đăng ký, kiểm tra, phúc tra quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật để thuận tiện trong tổ chức thực hiện; bổ sung 1 điều quy định về việc tiếp nhận quân nhân dự bị sau khi hoàn thành nhiệm vụ về địa phương.

Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, để xây dựng bố cục của dự thảo Luật rõ ràng, phù hợp về hình thức, nội dung, bảo đảm tính logic, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/bo-quoc-phong-xay-dung-luc-luong-du-bi-dong-vien-lam-nong-cot-thuc-hien-nhiem-vu-quoc-phong/812127.antd