Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá lực lượng hải quân Trung Quốc thế nào?

Trong báo cáo công khai mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự Trung Quốc, giới chức Mỹ bắt buộc thẳng thắn thừa nhận rằng Hải quân Trung Quốc là lực lượng lớn nhất hành tinh.

"Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, sự phát triển được thúc đẩy bởi khát vọng to lớn của Bắc Kinh nhằm "đưa" quốc gia này trở lại vị thế cường quốc và dẫn đầu thế giới", Bộ Quốc phòng (BQP) Mỹ nhận định trong bản báo cáo năm 2020 về quân sự - an ninh Trung Quốc.

"Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, sự phát triển được thúc đẩy bởi khát vọng to lớn của Bắc Kinh nhằm "đưa" quốc gia này trở lại vị thế cường quốc và dẫn đầu thế giới", Bộ Quốc phòng (BQP) Mỹ nhận định trong bản báo cáo năm 2020 về quân sự - an ninh Trung Quốc.

Được công bố hôm 1/9, báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc cho rằng, Hải quân Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army Navy - PLAN) hiện có "lực lượng chiến đấu khoảng 350 nền tảng, bao gồm các lực lượng tác chiến mặt nước chủ lực, tàu ngầm, tàu đổ bộ viễn dương, tàu quét thủy lôi, tàu sân bay và các tàu hậu cần hạm đội", trong khi đó hiện Hải quân Mỹ (USN) mới chỉ dừng lại ở 293 tàu.

Báo cáo cũng ghi nhận tiến độ đóng tàu sân bay thứ 3 của PLAN, so với hai tàu Liêu Ninh (CV-16) và Sơn Đông (CV-17), tàu thứ 3 "sẽ lớn hơn và trang bị hệ thống máy phóng". BQP Mỹ đánh giá rằng tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động năm 2023-2024. Kèm với đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy việc phát triển tiếp tiêm kích hạm tàng hình FC-31/J-31 do Tổng công ty Thẩm Dương thiết kế.

Vậy, cụ thể lực lượng tàu chiến chủ lực hiện nay của Hải quân Trung Quốc có gì?

Đầu tiên là sức mạnh hàng không mẫu hạm, hiện Trung Quốc đã đưa vào biên chế hai tàu sân bay 60-70.000 tấn gồm chiếc Liêu Ninh (CV-16) và Sơn Đông (CV-17). Trong đó Liêu Ninh vốn được cải tạo từ khung thân tàu cũ của Liên Xô, còn chiếc Sơn Đông được đóng theo mẫu của Liêu Ninh. Hai chiếc này được phân bổ cho hai hạm đội hàng đầu là Bắc Hải và Nam Hải.

Về hạm đội tàu khu trục, hiện Trung Quốc có khoảng 50 chiếc với lượng giãn nước từ 4.500-12.000 tấn, loại to nhất là lớp Type 055 (12.000 tấn) - đã có 1 chiếc được biên chế (7 đã hạ thủy và đang hoàn thiện), tiếp đó là Type 052D 7.500 tấn đã biên chế 15 chiếc, còn đang đóng hơn 10 chiếc nữa. Ngoài ra, là các tàu Type 052C, Type 051C, Type 052B, Type 051B, Type 052 và Đề án 952 với số lượng lớp không quá 8 chiếc. Các tàu này đều có khả năng phòng không bảo vệ hạm đội, tầm tác chiến rất lớn, hoạt động độc lập dài ngày trên biển.

Về khinh hạm (frigate), Trung Quốc hiện có khoảng 49 chiếc, trong đó đông đảo nhất là lớp Type 054A 4.200 tấn trang bị "ngon nhất" với tên lửa phòng không tầm trung, tên lửa chống hạm tầm xa. Ngoài ra, còn một số tàu cũ hơn như Type 053H3/H1G và H1, số này sẽ sớm được cho nghỉ hưu trong tương lai gần.

Về tàu hộ tống cỡ 1.500 tấn trở xuống (corvettes), PLAN có 44 chiếc tàu loại Type 056/056A được khởi đóng từ năm 2013 với tốc độ "kinh khủng", 7 năm biên chế 44 chiếc, đang đóng tiếp 9 chiếc nữa và dự kiến tổng kế hoạch là 71 tàu. Loại tàu này được tiết kế cho việc hộ tống, tác chiến gần bờ, săn ngầm gần bờ..., phòng không tầm thấp.

Số lượng xuồng phóng tên lửa (missile boats) hiện có 109 chiếc cỡ từ 500 tấn trở xuống, nhiều nhất là xuồng tàng hình Type 022 Hồ Bắc (83 chiếc). Ưu điểm của loại tàu này là nhanh, trang bị tên lửa chống hạm tầm xa, số lượng lớn, tác chiến kiểu "bắn rồi chạy", nhưng chỉ phù hợp hoạt động ven bờ, không đi được biển xa.

Hạm đội tàu đổ bộ của Trung Quốc hiện có trên 60 chiếc gồm các tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn, tàu đổ bộ tăng và tàu đổ bộ nhỏ hạng trung. Trong đó, thế giới đang tập trung theo dõi việc Trung Quốc khẩn trương chế tạo các tàu đổ bộ trực thăng cỡ 30-40.000 tấn Type 075.

Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc hiện có 16 chiếc, dự trù đóng thêm 6-8 chiếc nữa. Tuy nhiên, lực lượng này được thế giới đánh giá là kém tin cậy, nhất là các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 có độ ồn lớn, thiếu tin cậy, có vấn đề về thiết kế.

Cho nên, năng lực tác chiến dưới mặt nước của Trung Quốc chủ yếu đáng gờm ở đội tàu ngầm động cơ diesel-điện, Trung Quốc hiện có khoảng 60 tàu ngầm các loại từ 2.000-4.000 tấn, nổi bật là 12 chiếc Kilo 877/636 do Nga sản xuất. Loại Type 039A/B do Trung Quốc sản xuất và cải tiến nhiều lần cũng rất đáng lưu tâm.

Ngoài năng lực hải quân, báo cáo của BQP Mỹ cũng đưa ra các con số về lực lượng tên lửa hạt nhân. Theo đó, báo cáo nhận định, hiện Trung Quốc có khoảng hơn 200 đầu đạn hạt nhân và sẽ tăng gấp đôi số lượng trong vòng 10 năm tới.

Đáp lại, ngày 2/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chỉ trích Báo cáo về sức mạnh quân sự nước này mà Mỹ mới công bố, đồng thời cho rằng Báo cáo nhằm mục đích “bôi nhọ” quá trình hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đánh giá, báo cáo mới công bố của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc là biểu hiện của tư duy chiến tranh Lạnh và cạnh tranh với tổng bằng không, nhằm tuyên truyền về “mối đe dọa Trung Quốc”, diễn giải sai lệch về chiến lược phát triển quân sự và chính sách quốc phòng của nước này, “bôi nhọ” quá trình hiện đại hóa, chi tiêu quốc phòng cũng như chính sách hạt nhân của Trung Quốc.

Video Việt Nam phản đối Trung Quốc phát ngôn đe dọa về Biển Đông - Nguồn: VTC NOW

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/bo-quoc-phong-my-danh-gia-luc-luong-hai-quan-trung-quoc-the-nao-1430155.html