Bỏ qui định không nộp báo cáo sẽ bị thu hồi giấy phép để tránh “bóp chết” doanh nghiệp

“Nếu qui định mức đặt trước thấp, thì người tham gia đấu giá sẽ tìm trăm phương nghìn kế để có thể thắng thầu, kể cả chấp nhận mất tiền đặt trước”, ông Ngô Văn Liệu, Giám đốc Công ty cổ phần AIC Hà Nội góp ý tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật đấu giá tài sản, do Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội tổ chức hôm nay (11-10).

Điều 38 Dự thảo về xử lý tiền đặt trước đã nâng mức tiền đặt trước tối đa lên 20%, nhưng ông Liệu cho rằng, cần nâng mức này lên từ 10% đến 30%, tùy giá trị tài sản mới phù hợp. Ông Liệu cũng cho biết, tiêu cực đấu giá nếu có thì khá “khủng khiếp”, nhất là giới cò đất có rất nhiều phương kế để đối phó với các phiên đấu giá đất. Thậm chí, khi đấu giá chỗ bán hàng ở phố cổ, có người còn thuê đầu gấu đe dọa ép buộc, không cho người khác tham gia.

Ông Phạm Thanh Sơn, Sở Tài chính đề nghị bãi bỏ khoản 10 Điều 4 và khoản 1 Điều 40 Dự luật về phương thức đặt giá xuống vì phương thức này chỉ phù hợp với đấu giá mua sắm tài sản nhà nước. Đồng thời, theo ông Sơn, khoản tiền đặt trước không nên tính lãi suất vì thời hạn đấu giá rất ngắn, tối đa trong 5 ngày đã trả lại tiền cho người tham gia và khi công bố kết quả, người tham gia đấu giá nếu không trúng sẽ nhận lại tiền ngay.

Nguyên Trưởng phòng Văn bản pháp qui, Sở Tư pháp Hà Nội - ông Đỗ Minh Sơn, góp ý, Dự luật cần qui định cụ thể lộ trình xã hội hóa các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, qui định rõ tiêu chuẩn đấu giá viên. Đồng thời, theo ông Sơn, cần rà soát lại Luật Doanh nghiệp để những qui định về chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá trong luật này không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp.

Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý.

Ông Trần Mai Long - Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản nhà nước TP Hà Nội cho rằng, qui định về trả giá xuống chỉ dành cho các tổ chức, cá nhân có tài sản có nhu cầu. Đồng thời, phù hợp với tâm lý người Việt Nam hay mặc cả, ví dụ mong bán 100 triệu đồng, nhưng người ta trả 90 triệu vẫn bán, đó là sự thỏa thuận. Còn trước đó người có tài sản đã chốt với tổ chức bán đấu giá đến một mức nào đó là sẽ bán, còn nếu bán cao hơn càng tốt.

Bên cạnh đó, Điều 42 qui định khi đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại phiên đấu giá với phương thức trả giá lên, cứ hết một vòng đấu, đấu giá viên sẽ công bố công khai giá trả cao nhất với sự giám sát của ít nhất một người tham gia đấu giá. “Để đảm bảo tính bảo mật và cạnh tranh thì không thể mời một khách hàng lên chứng kiến, vì sẽ xảy tình trạng thông đồng ngay, nhất là các cuộc đấu giá chỉ vài người tham gia. Phải đấu đến phút cuối cùng, không còn ai tham gia trả giá, công bố kết quả thì tất cả khách hàng tham gia sẽ được chứng kiến”, ông Long góp ý.

Còn theo ông Nguyễn Công Anh - Sở Tư pháp Hà Nội thì Dự thảo phải bỏ ngay qui định nếu sau 6 tháng doanh nghiệp đấu giá không thực hiện nghĩa vụ nộp báo cáo cho Sở Tư pháp nơi có trụ sở hoạt động thì sẽ bị thu hồi đăng ký hoạt động vì sẽ “bóp chết” nhiều doanh nghiệp. Thay vào đó, nên áp dụng các biện pháp xử lý khác, ông Công Anh kiến nghị.

Chủ trì hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu khẳng định tất cả các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH Hà Nội tập hợp đầy đủ để kiến nghị Quốc hội tiếp thu, nhằm xây dựng Luật đấu giá tài sản thật sự khả thi.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/xa-hoi/bo-qui-dinh-khong-nop-bao-cao-se-bi-thu-hoi-giay-phep-de-tranh-bop-chet-doanh-nghiep-120001