Bỏ quên việc chống lại bạo lực người già

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập bên lề buổi tọa đàm 'Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước' vừa được Hội Người cao tuổi T.Ư và Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình tổ chức.

Đủ kiểu bạo lực

Bà Nguyễn Ngọc H, 69 tuổi (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) – một trong những đại biểu tham gia buổi tọa đàm cho biết, kể từ khi về hưu bà chỉ ở nhà giúp các con chăm sóc cháu, trông nhà. Mặc dù có lương hưu, không sống phụ thuộc con cháu nhưng bà H lúc nào cũng có cảm giác như các con không tôn trọng.

Hình ảnh vợ chồng bà Đào Thị Cương (Bình Dương) bị chính con trai đánh đập được đưa lên mạng xã hội. Ảnh: I.T

"Cần phải xóa bỏ bạo lực với NCT vì đó không chỉ là tội ác mà nó còn vi phạm các chuẩn mực đạo lý của người Việt. Con cái bạo lực với bố mẹ là bất hiếu, người trẻ gây bạo lực với NCT là sự nhẫn tâm không thể chấp nhận”.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền –
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam

“Tôi biết các con tôi nghĩ tôi già rồi nên nhiều khi không tin tưởng để tôi tự làm mọi việc. Có lúc tôi đăng ký tham gia câu lạc bộ hay tổ hòa giải tại tổ dân phố để sinh hoạt cho vui thì chúng lại kêu là mẹ già rồi, thậm chí nói tôi việc nhà thì nhác việc chú bác lại chăm” – bà H kể. Có lần có người bạn già ngỏ ý “về chung một nhà” với bà nhưng bị các con phản ứng quyết liệt.

Không giống bà H, bà Đào Thị Cương, 80 tuổi (Bình Dương) còn chịu bạo lực khủng khiếp từ chính người con trai. Ông bà già, không có lương hàng ngày phải đi làm thuê sinh sống. Trước đó, ông bà có mảnh đất đã cắt ra chia cho mỗi con 1 mảnh, tuy nhiên cậu con trai không hài lòng, kể từ đó thường kiếm cớ chửi bới bố mẹ. Cuối năm 2017, vì can ngăn mâu thuẫn của con trai và con gái mà ông bà đã bị con trai đánh đập giã man. Sự việc chỉ dừng lại khi được công an xã can thiệp.

Khoảng trống chưa được đề cập

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh – Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2017, tổng số người cao tuổi chiếm 11,9% dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, năm 2038 nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ khoảng 21 triệu người, chiếm 20% dân số. Điều này đặt Việt Nam trước rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi (NCT).

Theo bà Quỳnh, mặc dù hiện nay Việt Nam đã có rất nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe, an sinh, cũng như hỗ trợ tiền trợ cấp xã hội cho NCT có hoàn cảnh khó khăn... nhưng điều này vẫn là chưa đủ. “Tỷ lệ NCT Việt Nam sống ở nông thôn quá lớn, phần lớn họ không có lương hưu, trông đợi vào sự nuôi dưỡng từ con cái hoặc trợ cấp xã hội. Vì không có kinh tế nên một bộ phận NCT buộc phải lao động kiếm sống. Bên cạnh đó, một bộ phận NCT còn bị bóc lột, xâm hại, thậm chí bị chính con cái bạo hành... nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể” – bà Thủy chia sẻ.

Đại diện NCT tham gia buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bình (Hà Nội) cho rằng vấn đề chăm sóc sức khỏe cả tinh thần và thể chất của NCT là rất quan trọng. Thế nhưng hiện nay có khá nhiều NCT đang bị bạo lực mà bản thân, gia đình và cả cộng đồng không hề hay biết.

“Tôi thấy mọi người chỉ nhắc nhiều về bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái chứ ít người nhắc tới bạo lực với NCT. Theo quan sát của tôi NCT bị bạo lực không hề ít. Không làm ra nhiều tiền, có người phải dựa vào con nên một số NCT bị khinh thường, đối xử tệ. Với một số NCT thì việc chậm chạp, bệnh tật cũng bị xem là gánh nặng khiến cho con cái bực bội...” – ông Bình nói.

Ông Bình kiến nghị, cơ quan quản lý cần phải có những nghiên cứu, thống kê cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan cần đề gia những giải pháp như tăng cường truyền thông tới các tổ chức hội của NCT, xây dựng mô hình tư vấn hỗ trợ NCT. Đặc biệt, theo ông Bình cần khuyến khích việc phát hiện và tố giác những vụ việc NCT bị bạo lực tại khu dân cư, từ đó loại bỏ bạo lực với họ.

Thùy Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bo-quen-viec-chong-lai-bao-luc-nguoi-gia-918295.html