Bỏ phố về quê lập nghiệp, chàng trai 9x từ trắng tay trở thành tỷ phú

Từ bỏ một công việc nhà nước ổn định, bằng số vốn ít ỏi có, chàng trai Nguyễn Đình Tiến thành công trong việc đưa khẩu trang 'made in Vietnam' ra thị trường quốc tế.

Có những lựa chọn trong đời giống như chơi một canh bạc

Nguyễn Đình Tiến, sinh năm 1993 tại Bắc Ninh, lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nông. Giống như nhiều gia đình khác, dù gia cảnh nghèo khó, cha mẹ Tiến vẫn luôn cố gắng chắt bóp, tằn tiện để nuôi các con lớn khôn.

Ngày Tiến trúng tuyển vào đại học Thủy Lợi là ngày mà cả đại gia đình không bao giờ quên được. Giấc mơ về cánh cổng đại học của biết bao nhiêu người trong gia đình nay đã thành hiện thực. Bố mẹ tự hào, dòng họ vinh dự về đứa cháu chăm chỉ, học giỏi. Tiến rời làng quê đã gắn bó với mình suốt cả thời ấu thơ, gói ghém đồ đạc và bắt đầu cuộc hành trình mới ở nơi phố thị ồn ào và hào nhoáng hơn.

 Nguyễn Đình Tiến cùng đội ngũ ngũ cán bộ, công nhân không ngừng phấn đấu, nỗ lực để đưa thương hiệu khẩu trang Bảo Tiến ngày càng hoàn thiện tốt hơn.

Nguyễn Đình Tiến cùng đội ngũ ngũ cán bộ, công nhân không ngừng phấn đấu, nỗ lực để đưa thương hiệu khẩu trang Bảo Tiến ngày càng hoàn thiện tốt hơn.

Tiến vào đại học vừa là niềm vui nhưng cũng là nỗi trăn trở của bậc phụ mẫu về bao thứ tiền cần phải lo: Học phí, tiền ăn, tiền trọ, chi phí đi lại,… Ngồi tiếp chúng tôi, cô Lê Thị Năm - mẹ của Tiến - nhìn xa xăm khi nhớ về những tháng ngày nuôi con học đại học xa nhà.

Tôi cho Tiến theo học Xây dựng ở trường ĐH Thủy Lợi là bởi gia đình có người nhà làm thủy lợi. Người chú đó của Tiến cũng hứa khi nào Tiến có bằng ĐH sẽ xin cho Tiến một công việc tốt, vì vậy dù khó nhưng chúng tôi cũng cố gắng lo tiền cho con ăn học”.

Thế nhưng, cuộc sống huyên náo nơi thủ đô hoa lệ không giữ chân được Tiến lâu. Sau một thời gian trăn trở, đắn đo, chàng sinh viên năm hai ngành Xây dựng về nhà xin bố mẹ được theo đuổi một công việc kinh doanh. Cô Năm nghe mong muốn của con mà như sét đánh ngang tai.

Hệ thống nhà xưởng sản xuất khẩu trang cùng dàn thiết bị máy móc hiện đại của công ty Bảo Tiến.

Trong khoảnh khắc ấy, biết bao lo lắng hiện lên trong suy nghĩ của người mẹ tảo tần: Nhà làm nông, lấy đâu ra tiền mà để con làm kinh doanh? Đổ bao tiền để con theo học xây dựng để sau này con có một công việc nhà nước ổn định, sao tự nhiên lại đòi rẽ ngang? Rồi kinh doanh liệu có nên cơm cháo gì?... Thế là cô Năm vội xua tay:

Bây giờ bố mẹ làm nông, kinh tế khó khăn, cố gắng chắt bóp tằn tiện nuôi con ăn học đại học ngần ấy năm mất tới mấy trăm triệu mà giờ con lại đòi bỏ để đi làm kinh doanh thì bố mẹ biết làm thế nào. Thôi con cố gắng học, rồi phấn đấu theo cái ngành mà con đã học đi”.

Những tưởng đó chỉ là cái mong muốn xốc nổi nhất thời của một cậu trai trẻ đang khao khát thể hiện bản thân, chưa biết mình cần gì. Thế nhưng dù có khuyên nhủ thế nào, Tiến vẫn kiên định với dự định của mình: Lấy tấm bằng cho bố mẹ vui lòng, còn bản thân sẽ đi làm kinh doanh.

Gàn con không nổi, ông Nguyễn Đình Hớn (bố của Tiến) thở dài: “Thôi tùy con, bố mẹ đã nuôi ăn học, giờ quyết định sao là ở con, sướng hay khổ là do con tự chịu trách nhiệm”.

Những tưởng vậy là con sẽ yên tâm tu chí làm ăn, bao giờ công việc ổn định thì lập gia đình cũng chưa muộn. Thế mà vừa rời ghế nhà trường chưa được bao lâu, cái sự “ngông” của Tiến lại khiến bố mẹ thêm lo lắng. Bởi trước khi Nam tiến để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, Tiến xin bố mẹ cho phép mình được cưới vợ.

Các sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn cao cấp, khẩu trang y tế được kiểm tra, kiểm định chặt chẽ theo tiêu chuẩn Quốc tế.

Cái tuổi 23, thân mình chưa lo xong lại còn "đèo bòng", nỗi lo lắng của bố mẹ Tiến không phải là không có cơ sở. Lo lắng là vậy, nhưng với sự kiên định của Tiến, đám cưới cũng sắp xếp xong xuôi. “Đôi chim câu” cùng nhau rời tổ, tìm về vùng đất phía Nam với khát khao tìm được trái ngọt cho mình.

Sau nửa năm Nam tiến không thành, vợ chồng Tiến gọi về, bàn với chú Hớn cô Năm về việc trở về quê làm việc. Dự định của Tiến là mở một cơ sở sản xuất khẩu trang ở quê nhà. Nếu chưa đủ tiền thì mua trước một máy, rồi tích cóp dần dần để mua thêm máy, mở rộng sản xuất,… Băn khoăn vì kinh tế gia đình còn chưa vững, sợ con mở xưởng không thành lại thành ra lỡ dở, nhưng cô Năm cũng đành chiều con.

Đội ngũ kỹ thuật được đào tạo chuyên nghiệp và có trình độ cao.

“Thôi thì coi như đánh một canh bạc!”

Đó là cách mà người mẹ ấy miêu tả về cái ngày gia đình chạy đôn chạy đáo rao bán mảnh đất của gia đình để lo được tiền cho con trai mình làm cơ sở may khẩu trang. Còn đối với anh Tiến, nhắc lại những ngày đầu khởi nghiệp với số vốn ít ỏi có được từ bố mẹ cũng không phải là điều dễ dàng gì.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn mở xưởng sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn dùng một lần, chàng trai trẻ sinh năm 1993 ấy thủng thẳng trả lời là do vấn đề môi trường thời điểm đó đã là một vấn đề nan giải, muốn làm một sản phẩm gì đó có thể giúp bảo vệ sức khỏe người dân mà năng lực còn hạn chế, chưa đủ để làm thứ gì đó to tát nên Tiến … chọn khẩu trang.

Tự bản thân Tiến cũng công nhận sự lựa chọn của mình khó khăn bởi khi đó người tiêu dùng hẵng còn chuộng khẩu trang vải, có thể tái sử dụng nhiều lần, mặt hàng mà Tiến sản xuất còn chưa thịnh hành. Sự khác biệt giữa mục tiêu kinh doanh và nhu cầu của khách hàng khiến cơ sở của Tiến gặp lao đao không ít.

Những lúc như vậy, ông Hớn không biết làm gì hơn là trực tiếp hỗ trợ con sản xuất, rồi nhờ người quen, người thân trong gia đình những lúc nông nhàn đến cùng hỗ trợ. “Thôi con ạ, cố gắng khắc phục, bây giờ mất rồi mai kia sẽ được. Con đã quyết lựa chọn làm kinh doanh thì phải cố gắng phấn đấu hết sức, làm đến đâu mà khó thì bố mẹ lo cho đến đấy”.

Hiện nay, công ty Bảo Tiến đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 công nhân lành nghề tại địa phương và các vùng lân cận.

Lời động viên của bố mẹ cùng sự đồng hành, hỗ trợ từ người bạn đời của mình đã tiếp sức để Tiến không ngừng phấn đấu, nỗ lực. Từ thời điểm bắt đầu sản xuất là 2016, sau gần 2 năm cố gắng tìm kiếm thị trường, đối tác, với cái tâm mong muốn đem lại sản phẩm tốt nhất có thể tới khách hàng, các sản phẩm của Tiến bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực.

Hết cơn bĩ cực đến ngày thái lai

5 năm kiên trì bền bỉ, cái cây mà Tiến chăm sóc nay đã đến ngày nhận trái ngọt. Khởi phát chỉ là xưởng sản xuất nhỏ, một hộ kinh doanh tự phát với nhân lực chủ yếu tận dụng từ người nhà, đến nay Công ty CP sản xuất kinh doanh XNK Bảo Tiến đã tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động. Trong đó, đội ngũ công nhân, kỹ thuật đều được đào tạo lành nghề cùng với những phòng ban chuyên môn có các chuyên gia tư vấn, kiểm định chất lượng sản phẩm rất chặt chẽ.

Hiện nay, các sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn cao cấp, khẩu trang y tế…mang thương hiệu Bảo Tiến đã chạm tới nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu và trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn trong nước như chi nhánh tập đoàn Samsung, Canon, LG…

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nguyễn Đình Tiến vẫn luôn kiên định với mục tiêu ban đầu mà mình đề ra, đó là làm sao đưa đến tay người dân sản phẩm khẩu trang có chất lượng tốt nhất.

Với tầm nhìn chiến lược, quan điểm phát triển bền vững, lấy chất lượng sản phẩm làm đầu, quyền lợi của khách hàng là trên hết. Thương hiệu khẩu trang Bảo Tiến đã và đang tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh nói chung và trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khẩu trang nói riêng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng cùng giá trị thương hiệu ngày càng lớn mạnh trên thị trường Quốc tế.

Nhìn thấy con nay đã trưởng thành, sau bao sóng gió trên thương trường vẫn không từ bỏ, bố mẹ Tiến mới có thể phần nào yên tâm về con mình. Thấy được sự thành công của con như bây giờ, cô Năm cảm thấy may mắn vì chưa từng phải hối hận khi năm xưa không để con vào công ty nhà nước như dự định của gia đình.

Còn với anh giám đốc trẻ, thành công như hiện tại chưa đủ để khiến anh hài lòng. Tiến vẫn muốn tiếp tục nghiên cứu sản phẩm, mở rộng sản xuất và đưa những chiếc khẩu trang Bảo Tiến “made in Vietnam” đến tay nhiều khách hàng quốc tế hơn nữa.

Khẩu trang Bảo Tiến – Sự lựa chọn vì sức khỏe của bạn.

Khái quát về quãng đường đã đi qua của mình, Tiến cho rằng để có được những thành công như bây giờ, điều đầu tiên và quan trọng nhất là bản thân phải kiên cường để vượt qua được những khó khăn, bởi cuộc đời không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thứ hai là phải thật kiên định, nhất là những lúc khó khăn sẽ rất dễ bị dao động và chán nản vì những ý kiến tiêu cực. Mình cần phải có hướng đi riêng và kiên định theo đuổi mục tiêu đó của mình.

Chia sẻ với pv, Tiến nói việc suy nghĩ tiêu cực chắc chắn sẽ có, bởi có những lúc công ty rơi vào khủng hoảng, thị trường cạnh tranh khốc liệt, công ty đối thủ đưa ra các sản phẩm có giá thành rẻ hơn,… Dù có khó khăn, nhưng trong đầu vẫn phải kiên định với mục tiêu ban đầu mà mình đề ra, đó là làm sao đưa đến tay người dân sản phẩm có chất lượng tốt nhất, không vì việc cạnh tranh mà đưa các sản phẩm có giá thành rẻ nhưng kém chất lượng ra thị trường.

Tiến cũng không quên nhắc tới người bạn đời của mình. Vợ Tiến cũng là người tốt nghiệp Đại học - một giáo viên ngoại ngữ tương lai với nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp riêng. Khi Tiến bắt đầu đi làm kinh doanh, kinh tế của hai vợ chồng còn yếu. Chị là người ở bên động viên anh, hỗ trợ anh ở nhà quản lý sản xuất khi anh ra ngoài tìm kiếm thị trường, đối tác. Nhắc đến vợ, niềm vui và tự hào hiện rõ trên gương mặt của người đàn ông có được người bạn đồng hành, hậu phương vững chắc để anh yên tâm gây dựng sự nghiệp của mình. “Chúng tôi dựa vào nhau và cùng nhau cố gắng làm sao để có thể vượt qua những thời điểm khó khăn và phát triển được như bây giờ”.

Nhật Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-pho-ve-que-lap-nghiep-chang-trai-9x-tu-trang-tay-tro-thanh-ty-phu-ar607435.html