Bỏ phố lên rừng làm nông sản sạch, 2 kỹ sư thành triệu phú nông dân @

Người dân Hiếu Liêm đến giờ vẫn còn ấn tượng về 2 chàng kỹ sư nông nghiệp đã quyết định 'bỏ phố lên rừng' lập nghiệp với hai bàn tay trắng và nay đã trở thành những triệu phú nông dân.

Trong những ngày chuyển mùa, chúng tôi có dịp về thăm xã Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên), vùng đất nổi tiếng trong những năm chiến tranh ác liệt nay đã trở nên trù phú, bạt ngàn cây trái.

Kỹ sư phân bón thành triệu phú bưởi da xanh

Triệu phú Nguyễn Trung Thảo (đứng bên trái) bên vườn cam trĩu quả, hứa hẹn mùa bội thu.

"Ngày trước, nghề nông quanh năm lam lũ nhưng nay đã khác. Những triệu phú chân đất, lão nông @ xuất hiện ngày càng nhiều đã tạo niềm tin, thôi thúc tôi thực hiện ước mơ làm giàu từ nông nghiệp”.

Anh Nguyễn Trung Thảo

Đất Hiếu Liêm bây giờ không chỉ dành cho những lão nông cần cù làm nông nghiệp mùa vụ, mà nó còn hấp dẫn nhiều giới tìm về đầu tư làm ăn.

Vài năm trước, anh Trần Văn Thành (quê ở miền Trung) vào Bình Dương làm việc cho một công ty hoạt động trong ngành phân bón với mức lương vài chục triệu đồng/tháng. Dù cuộc sống tạm ổn, nhưng anh vẫn ấp ủ ước mơ về một hướng đi mà mình yêu thích.

Sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, năm 2014, anh Thành về Hiếu Liêm đầu tư gần 10ha trồng cây ăn trái, trong đó, cây bưởi da xanh là chủ lực. Trải qua thời gian đầu khai hoang vỡ đất, đến nay, trái bưởi da xanh của trang trại anh Thành đã có mặt trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng vì trồng theo công nghệ hữu cơ. Anh khoe mùa bưởi tết năm nay, bưởi da xanh của anh đã được khách hàng đặt mua hết… với thu nhập ước gần nửa tỷ đồng.

“Chưa bao giờ thực phẩm tiêu dùng hàng ngày lại trở nên quan trọng như hiện nay. Đây cũng là xu thế tất yếu của xã hội. Hãy khoan nói đến hội nhập, đưa sản phẩm vượt đại dương. Trước hết, ta phải làm ra sản phẩm nông nghiệp đàng hoàng, phải tạo ra sản phẩm sạch” - anh Thành tâm sự.

Chàng trai triệu phú cam

Nhằm xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây có múi, năm 2015, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Cam Bắc Tân Uyên và Bưởi Bắc Tân Uyên. Đây là lợi thế để vùng đất Bắc Tân Uyên hội đủ các điều kiện phát triển chuyên canh vùng cây có múi để cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Xa xa phía cuối sườn đồi trước mắt chúng tôi là một vườn cam trĩu quả. Thấp thoáng dưới những hàng cây, anh chị em công nhân đang tất bật chăm sóc cho mùa cam tết đang đến gần. Chúng tôi thoáng chút bất ngờ khi biết chủ nhân của cả trại cam ngút ngàn kia là một chàng thanh niên tên Nguyễn Trung Thảo (quê ở miền Tây, tỉnh Hậu Giang), mấy năm trước cũng chọn “bỏ phố lên rừng”.

Sau những năm khăn gói lên học ở Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, anh Thảo tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Những tưởng anh sẽ nhanh chóng tìm việc ở thành phố như bao người khác, nhưng anh lại khăn gói tìm về chọn đất Hiếu Liêm để khởi nghiệp.

Dẫn chúng tôi thăm trang trại rộng hơn 30ha trồng cam sành, quýt, bưởi da xanh…, anh Thảo say sưa kể về thành quả của mình. Sau những khó khăn ban đầu, đến nay trang trại cây ăn trái của anh đã trở thành mô hình làm ăn hiệu quả nhất nhì ở Hiếu Liêm.

Được đào tạo bài bản về kiến thức nông nghiệp, anh Thảo chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Anh còn tính toán cho cây ra trái nghịch vụ nên sản phẩm ra thị trường được giá mang lại doanh thu khá cao. Hiện thị trường tiêu thụ trái cây của trang trại anh đã ra tận Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh việc làm ăn, anh Thảo còn thực hiện các hoạt động từ thiện. Công nhân trang trại của anh được xây nhà cho ở miễn phí và trả lương ổn định.

Anh Nguyễn Trung Thảo là tấm gương tuổi trẻ khởi nghiệp đầy năng động và sáng tạo.

Phong Thuận

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/bo-pho-len-rung-lam-nong-san-sach-2-ky-su-thanh-trieu-phu-nong-dan-921610.html