Bỏ phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc bỏ phiếu kín tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được thực hiện theo luật Giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân 2015. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, “mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm”.

Quốc hội đã yêu cầu người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình gửi đến Đại biểu Quốc hội. Cùng với báo cáo này, trên cơ sở theo dõi, giám sát hoạt động của các thành viên Chính phủ, ý kiến, đánh giá của cử tri và nhân dân… thì Đại biểu Quốc hội sẽ có đủ cơ sở, đủ dữ liệu để đánh giá đúng người, đúng việc, công tâm, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 về vấn đề này. Tại kỳ họp này sẽ có 48 trong số 50 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn đủ điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các thành viên Chính phủ; chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Thừa Thiên - Huế trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức (TTXVN) bên hành lang Quốc hội. Ảnh Viết Tôn

Hai chức danh sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do hai người giữ các chức vụ này có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Túy cho hay, lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Từ khi có Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo ông Trần Văn Túy, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại.

“Ngoài ra, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả. Kết quả tín nhiệm thấp cũng là cơ sở để người được lấy phiếu có văn hóa ứng xử phù hợp, có thể tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác phù hợp”, ông Túy nói.

Sau khi Quốc hội bỏ phiếu kín, chiều nay 25/10 Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu. Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Cùng ngày, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Viết Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/bo-phieu-tin-nhiem-la-noi-dung-giam-sat-dac-biet-quan-trong-20181025102035291.htm