Bộ phận tên lửa nặng 21 tấn của Trung Quốc sắp rơi không kiểm soát xuống Trái Đất

Bộ phận tên lửa nặng hàng chục tấn của Trung Quốc đang quay trở lại Trái Đất và có thể rơi mất kiểm soát xuống một địa điểm không xác định trong tuần này.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B mang theo module Thiên Hòa rời bệ phóng ngày 29/4. Ảnh: Getty Image

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B mang theo module Thiên Hòa rời bệ phóng ngày 29/4. Ảnh: Getty Image

Theo trang Guardian (Anh), bộ phận lõi dài 30 mét của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã mang module có tên gọi Thiên Hòa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào hôm 29/4. Động thái này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng trạm không gian vũ trụ riêng của nước này.

Tuy nhiên, thay vì rơi xuống địa điểm đã định trước trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm nặng 21 tấn của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh Trái Đất trong tình trạng mất kiểm soát. Một số chuyên gia lo ngại nó có thể rơi xuống khu vực có người sinh sống trong vài ngày hoặc một tuần tới.

Ông Jonathan McDowell, nhà Vật lý Thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn thuộc Đại học Harvard, cho biết: “Điều này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Lần trước khi Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5B, nhiều thanh kim loại dài lớn đã rơi từ trên trời xuống đất và làm hư hại một số tòa nhà ở Bờ Biển Ngà. Dù phần lớn bộ phận của tên lửa đã bị thiêu hủy khi bay vào bầu khí quyển, nhưng nhiều mảnh kim loại với kích cỡ lớn đã rơi xuống mặt đất. Rất may là không có ai bị thương”.

Hôm 4/5, lõi CZ-5B quanh quanh Trái Đất 1 vòng hết 90 phút với tốc độ khoảng 27.600km/h và ở độ cao hơn 300 km.

Kể từ cuối tuần, nó đã giảm độ cao gần 80 km. Trang SpaceNews báo cáo rằng các quan sát nghiệp dư trên mặt đất cho thấy nó đang nhào lộn và không nằm trong tầm kiểm soát. Điều này cùng với tốc độ của nó khiến chúng ta không thể dự đoán được nó sẽ rơi xuống đâu khi lực hút của Trái Đất cuối cùng sẽ kéo lõi tên lửa ra khỏi quỹ đạo.

Video: Trung Quốc phóng module Thiên Hà lên không trung từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương (Nguồn: Guardian):

Ông McDowell nhận định thông thường các mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống đại dương, do biển chiếm 71% diện tích bề mặt Trái Đất. Nhưng một số mảnh vỡ có thể sẽ rơi xuống mặt đất và “việc này sẽ tương đương với một vụ tai nạn máy bay với các mảnh vỡ trải dài trong khu vực khoảng 160km”.

Kể từ năm 1990, ngành hàng không vũ trụ chưa bao giờ cố tình để những vật thể nặng hơn 10 tấn rơi một cách mất kiểm soát như vậy. Phần lõi 5B của tên lửa Trường Chinh 5B được cho là nặng khoảng 21 tấn.

“Điều tồi tệ ở đây là phía Trung Quốc hết sức cẩu thả. Ngành hàng không vũ trụ không bao giờ cố tình để những vật thể nặng hơn 10 tấn rơi một cách thiếu kiểm soát như vậy”, ông McDowell nói thêm.

Dựa trên quỹ đạo hiện tại, bộ phận tên lửa này đang đi về phía bắc New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha) và Bắc Kinh (Trung Quốc) rồi đi về phía Nam ở Nam Chile và thủ đô Wellington của New Zealand. Dự kiến, nó có thể rơi xuống bất kỳ nơi nào trong khu vực này. Với vận tốc như vậy, nó sẽ quay trở lại Trái Đất vào ngày 10/5, có thể sớm hoặc muộn hơn 2 ngày.

Ông McDowell cho biết một khi đã xác định chính xác ngày quay trở lại Trái Đất của bộ phận này, các chuyên gia có thể dự đoán thời gian rơi của nó trong khoảng thời gian 6 giờ.

Vụ phóng tên lửa này là lần phóng đầu tiên trong 11 sứ mệnh phóng tên lửa đã được lên kế hoạch theo một phần của quá trình xây dựng trạm vũ trụ riêng của Trung Quốc. Theo dự kiến, trạm sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2022.

Cơ quan Không gian vũ trụ có người điều khiển của Trung Quốc (CMSA) cho hay Trạm vũ trụ hình chữ T trọng lượng 100 tấn dự kiến bao gồm 3 module chính: một module dài 16,6m có tên Thiên Hòa và hai module dài 14,4 m có tên Vấn Thiên và Mộng Thiên. Trạm vũ trụ này nhỏ hơn đáng kể so với Trạm vũ trụ quốc tế, phóng module đầu tiên vào năm 1998 và nặng khoảng 408 tấn.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/bo-phan-ten-lua-nang-21-tan-cua-trung-quoc-sap-roi-khong-kiem-soat-xuong-trai-dat-20210504164127726.htm