Bố NSND Anh Tú chia sẻ khóc thương nhớ con gây xúc động

Bố của NSND Anh Tú có những dòng tâm sự khóc con khiến người đọc rơi nước mắt trước sự phân ly quá sớm, khiến người đầu bạc tiễn người đầu xanh.

Cha mẹ NSND Anh Tú khóc thương con

Cha mẹ NSND Anh Tú khóc thương con

NSND Anh Tú qua đời ngày 20/12/2018 sau thời gian chống chọi bạo bệnh. Tang lễ vào 24/12/2018, lễ an táng vào 3/1 tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình.
Bố Anh Tú nhắc lại thời khắc cậu con trai chào đời, ông nội đặt tên cho đứa cháu là Anh Tú. Bà nội cũng hưởng ứng bởi cái tên đó hay “mong cháu sau này lớn lên sẽ là ngôi sao đẹp-sáng của dòng họ Phạm”.

“Lớn lên, chừng 5, 6 tuổi, nhiều hôm con được bà nội cho ngồi bên, ngước nhìn bà đăm đăm, yên lặng nghe như uống từng lời bà đọc dăm ba đoạn về cô Thúy Kiều trong Đoạn trường Tân thanh. Mấy năm sau bà nội dắt tay cháu xem vở cải lương Kim Vân Kiều. Lúc bà cháu về, bố đứng đón ở cửa. Về đến thềm nhà bà nói: Nó xem, ngồi yên ngước nhìn sân khấu không chớp mắt”, bố Anh Tú kể.

Thiên hướng nghệ thuật bộc lộ từ khi Anh Tú còn nhỏ. Ông tiếp: “Sân khấu đã nuôi dưỡng, len lỏi vào tuổi thơ con -Anh Tú. Cứ như thế, từ sân khấu đến nhà trường phổ thông với những bài thơ văn hiện lên với những giá trị tinh túy của nghệ thuật đã bắt đầu nhen lửa, bám chặt vào tâm hồn của con: Biết bao hành động của những anh hùng giữ nước, biết bao thân phận bọt bèo, cùng cực trong xã hội cũ, những số phận của bao phụ nữ tài sắc nhưng chìm đắm trong đau khổ… đã cuốn hút tâm tư của con trong tuổi trưởng thành. Và nó chính là con đường nghệ thuật, hình hài các biểu tượng cứ khắc sâu mãi và lớn lên cùng con-Anh Tú. Nó bện chặt cả cuộc đời Anh tú sau này”.

Anh Tú trong vở Macbeth-một trong những vai diễn ấn tượng nhất của anh

Trong suốt những năm tháng từ cánh cửa trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội và những vai diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, lưu diễn khắp các miền, người cha của NSND Anh Tú nhắc lại kỷ niệm khó quên. “Tại Nhà hát Tuổi trẻ, con đã ôm chặt một nghệ sỹ lớn: Hoàng Cầm ngồi xe lăn, hai người cùng khóc. Nhìn cảnh ấy khán giả xem vở Kiều Loan, người diễn Kiều Loan, ai cùng khóc, thương cho số phận Kiều Loan yêu đấy mà hận đấy, thời loạn ly cuối nhà Tây Sơn đầu Nguyễn. Mà cũng thương cho tác giả-một nhà thơ tài, một nhà viết kịch sâu sắc, số phận long đong tóc bạc ngồi xe lăn. Tác giả viết kịch Kiều Loan bằng thơ, ôm níu đạo diễn Anh Tú nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Em! Anh Tú đã làm sống lại Kiều Loan trong anh. Anh cảm ơn em lắm lắm”.

Anh Tú là một trong những tài năng sân khấu đương thời được kỳ vọng lớn, thế nhưng tài năng ấy sớm tắt. “Con-Anh Tú, các bạn con, các bậc đần anh và cả các bạn mới bước vào con đường nghệ thuật đang cố gắng ngày đêm làm sáng ánh sân khấu cho cuộc đời. Giữa lúc đó, con ơi riêng Anh Tú lại ra đi, đi xa đến một sân khấu bao la của thiên hà. Xa rời, vĩnh biệt gia đình nhỏ gồm vợ con của Anh Tú, rời bỏ bố mẹ, các em, các cháu, họ hàng, chia ly với gia đình lớn gồm các bạn hữu, bao người thân quen, bao vở diễn, bao khán giả gần gũi thân thương. Ly biệt là đau đớn nhất đối với con và cho cả bao người có mặt trong giờ phút này. Đau đớn khôn cùng.

Bố mẹ khóc con, nước mắt lặn vào trong. Vợ còn và đứa con trai chưa lớn khôn khóc mãi. Họ hàng, bạn bè và bao người thân rơi lệ, tiễn đưa con về trời, yên nghỉ tại công viên Lạc Hồng”, những lời một người cha nhắn nhủ với người con trai yêu quý vội đi xa.

NSND Phạm Anh Tú sinh ngày 20/1/1962, quê quán tại xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Anh Tú tốt nghiệp lớp diễn viên năm 1981, có những vai diễn xuất sắc trong các vở Vũ Như Tô, Macbeth, Rừng trúc, Bến bờ xa lắc. Khán giả truyền hình biết tới Anh Tú qua nhiều bộ phim như Dòng sông khát vọng, Giông tố, Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ. Ngoài vai trò ở nhà hát, Anh Tú tham gia giảng dạy tại Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội.

Năm 2004 anh tốt nghiệp Khoa Đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà nội với vở kịch thơ Kiều Loan. Trước khi gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, Anh Tú từng giữ chức Trưởng đoàn Kịch I Nhà hát Tuổi trẻ từ 1997 cho tới năm 2013. Năm 2013, Anh Tú trở thành Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam, dàn dựng một số vở diễn như Lâu đài cát, Tai biến, Biệt đội báo đen, Bão tố Trường Sơn, Hamlet, Kiều, Romeo và Juliet, Thế sự.

NSND Anh Tú nhận được nhiều phần thưởng như Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam”.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/bo-nsnd-anh-tu-chia-se-khoc-thuong-nho-con-gay-xuc-dong-1366064.tpo