Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cho xuất khẩu gạo nếp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi đề nghị cho phép xuất khẩu gạo nếp đến Bộ Công Thương, theo công văn số 2629/BNN-TT ngày 16/4/2020.

Ảnh minh họa.

Trong văn bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích gieo trồng sản lượng dự kiến (quy gạo) của gạo nếp tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang theo từng vụ như sau:

Vụ Hè Thu 2019, diện tích trồng nếp của tỉnh Long An khoảng 64 nghìn ha, sản lượng ước đạt 305 nghìn tấn nếp, tương đương khoảng 183 nghìn tấn gạo nếp. Tỉnh An Giang diện tích gieo trồng khoảng 27 nghìn ha sản lượng ước đạt 155 nghìn tấn lúa nếp tương đương khoảng 93 nghìn tấn gạo nếp.

Trong vụ Thu Đông 2019, diện tích trồng nếp của tỉnh An Giang khoảng 18 nghìn ha, sản lượng ước đạt 108 nghìn tấn lúa nếp, tương đương 65 nghìn tấn gạo nếp.

Vụ Đông Xuân 2019 – 2020, tỉnh An Giang diện tích gieo trồng khoảng 44 nghìn ha sản lượng ước đạt 325 nghìn tấn lúa nếp, tương đương khoảng 195 nghìn tấn gạo nếp. Tỉnh Long An khoảng 65 nghìn ha, sản lượng ước đạt 430 nghìn tấn lúa nếp, tương đương 258 nghìn tấn gạo nếp.

Căn cứ thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019 – 2020, và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Trước đó, 2 địa phương có diện tích trồng nếp lớn nhất ĐBSCL là An Giang, Long An và Công ty Dương Vũ cũng đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Tỉnh Long An có văn bản 1739/UBND-KTTC ngày 3/4/2020, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế xuất khẩu lại gạo nếp mã HS 1006.30 không giới hạn số lượng; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có văn bản 13/ĐĐBQH ngày 5/4/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xuất khẩu gạo đối với gạo nếp và gạo hạt tròn (Japonica). Đồng thời Bộ Tài chính có công văn 4355/BTC-QLG ngày 10/4/2020 tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo đã có kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm.

Gạo nếp xuất khẩu đọng tại cảng gần tháng nay

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ cho biết: "Chúng tôi chuyên thu mua, chế biến lúa nếp phục vụ xuất khẩu gạo nếp và tấm nếp chủ yếu vào thị trường Trung Quốc với tổng sản lượng trung bình 220 ngàn tấn/năm.

Hiện nay công ty đang bao tiêu sản phẩm lúa nếp cho nông dân hai tỉnh Long An và An Giang trên diện tích khoảng 50 nghìn ha, giải quyết việc tiêu thụ lúa nếp cho nông dân tại hai tỉnh này, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống hàng ngàn hộ nông dân và qua đó cũng hỗ trợ tạo đủ nguồn cung lúa nếp phục vụ cho việc chế biến và xuất khẩu của công ty.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đặt vấn đề an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu.

Vừa qua, Dương Vũ đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) đã lưu container từ ngày 20/3/2020 nhưng chưa kịp xuất khẩu do đặc thù hàng đi Trung Quốc phải khử trùng trong container tại kho 5 ngày. Và ngay sau đó là thực hiện lệnh tạm dừng xuất khẩu của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp nữa lại không thể khai báo hải quan vì hạn ngạch đã hết. Thời gian hàng hóa lưu trong container đến nay cũng gần 1 tháng, nếu kéo dài đến tháng 5 chất lượng hàng hóa sẽ xuống cấp, đồng thời khách hàng yêu cầu bồi thường và hủy hợp đồng nếu không giao hàng kịp trong tháng 4/2020.

Công ty đang phải chịu chi phí lưu container trong một thời gian dài, tiền lãi suất ngân hàng, tiền vốn đã mua nguyên liệu tồn kho và hiện nhà máy phải dừng hoạt động".

Mặt hàng gạo nếp và tấm nếp không thuộc diện dự trữ lương thực quốc gia, chủ yếu phục vụ xuất khẩu, và một phần nhỏ tiêu dùng trong nước phục vụ các ngày tết, giỗ chạp và lễ hội truyền thống. Mặt hàng này hiện đang xuất sang Trung Quốc chủ yếu sử dụng để chế biến bột nếp.

“Giá xuất khẩu gạo nếp hiện nay rất tốt, như vậy sẽ mang lại lợi ích cho đất nước, người nông dân và bản thân doanh nghiệp có lợi nhuận tốt để tiếp tục tái đầu tư duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo nếp mà chúng tôi đã mất nhiều năm xây dựng. Chúng tôi cũng mong sớm được xuất khẩu số lượng hàng hóa này”, ông Hòa chia sẻ.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-de-nghi-cho-xuat-khau-gao-nep-3541441.html