Bộ Nội vụ xin ý kiến về Dự thảo nghị định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Để hướng dẫn một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số Diều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 32 Điều. Theo Dự thảo Tờ trình của Bộ Nội vụ, trong quá trình xây dựng Nghị đinh còn có ý kiến khác nhau, nên cơ quan này xin ý kiến Chính phủ về hai nội dung lớn là áp dụng một số quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ và xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu mà có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Trong đó, về áp dụng một số quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định đối với cán bộ có 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy (như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản khác có liên quan) chỉ quy định về bãi nhiệm mà không có quy định về hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với các trường hợp xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp xã.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có hai loại ý kiến khác nhau về dự thảo. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị chỉ quy định việc áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý kỷ luật đối với một số trường hợp cán bộ có hành vi vi phạm mà pháp luật và điều lệ chưa quy định, không bổ sung quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật riêng đối với đối tượng là cán bộ.

Vì, hiện nay, các quy định chỉ vướng đối với đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách, giữ chức vụ, chức danh bầu cử tại các cơ quan Nhà nước (Quốc hội, HĐND các cấp). Đối với cán bộ công tác tại các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thì không gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, nếu bổ sung quy định riêng đối với đối tượng là cán bộ đang công tác tại các cơ quan dân cử thì về kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ sẽ phân hóa thành hai cơ chế riêng.

Pháp luật về tổ chức bộ máy hình chính cũng đã có quy định riêng đối với hình thức bãi nhiệm đối với các chức danh do bầu cử, nếu quy định ở Nghị định này sẽ khó bảo đảm nhất quán. Bên cạnh đó, người giữ các chức danh do bầu cử hoạt động chuyên trách đều là đảng viên, do đó thông thường sẽ thực hiện quy định kỷ luật đảng trước, chính quyền sau. Khi đó, đã có hình thức xử lý kỷ luật đảng, kết luận của cơ quan có thẩm quyền và việc xử lý kỷ luật hành chính cần đơn giản về trình tự, thủ tục.

Loại ý kiến thứ hai, lại đề nghị quy định cụ thể các nội dung về xử lý kỷ luật (bao gồm hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục áp dụng, thẩm quyền áp dụng) đối với tất cả cán bộ có hành vi vi phạm (bao gồm cả cán bộ công tác trong hệ thống đảng, đoàn thể, chính quyền) để bảo đảm thống nhất.

Dự thảo Nghị định hiện được Bộ Nội vụ xây dựng theo loại ý kiến thứ nhất.

Bên cạnh đó, về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, Dự thảo Nghị định đã bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng; quy định với trường hợp này được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm mà không phải điều tra, xác minh lại.

Theo Dự thảo Tờ trình, thực tế cho thấy, để bảo đảm nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của đảng thì hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện này đều là đảng viên (một số ít chưa là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập). Những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo và vì vậy, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật đảng đối với đối tượng này là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện sau khi xử lý kỷ luật đảng là giới hạn đối tượng bị xử lý kỷ luật so với Luật. Theo đó những người là cán bộ, công chức, viên chức nhưng không phải là đảng viên nay đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác sẽ không xử lý kỷ luật hành chính.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-noi-vu-xin-y-kien-ve-du-thao-nghi-dinh-xu-ly-ky-luat-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-181430.html