Bộ Nội vụ: Sẽ thắt chặt việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ

Chiều 9/5, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ, Bộ Nội vụ đã giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm. Trong đó có các nội dung sửa đổi để giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn khi xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: PA

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: PA

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chính phủ đã nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Trong quá trình soạn thảo, Bộ Nội vụ đã tổng hợp đầy đủ các nội dung còn ý kiến khác nhau, báo cáo Chính phủ và tham mưu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để hướng dẫn thực hiện Nghị định, Bộ Nội vụ đã xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, đăng lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Ông Minh cũng thông tin về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Nội vụ đã thông tin về đề xuất bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" trong Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, "giáng chức" hiện chỉ áp dụng với công chức lãnh đạo, quản lý và việc bỏ hình thức kỷ luật này không làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Ông Long cho biết, ngoài "giáng chức", còn bốn hình thức kỷ luật khác là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và các mức này tương thích với bốn hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng.

"Thời gian qua, có nơi còn duy tình trong thực thi quy định, đáng lẽ phải sử dụng biện pháp mạnh là cách chức thì giảm nhẹ, chỉ giáng chức. Vì vậy, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bỏ hình thức kỷ luật này. Nếu cần một hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn cảnh cáo thì lãnh đạo, quản lý sẽ bị cách chức", ông Long nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng cho biết, hiện nay các chính sách đối với cán bộ trẻ được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Ít có nước nào quy định 15% cán bộ trẻ tham gia cấp ủy.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, các chính sách về cán bộ trẻ của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào, thậm chí có những chính sách vượt trội.

Sau việc gần đây nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giải pháp cần thiết, trong đó đầu tiên thắt chặt việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, kiểm soát tốt hơn đầu vào.

"Chúng tôi cố gắng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng được những cán bộ trẻ có năng lực, trình độ thực sự; có mong muốn cống hiến cho hệ thống chính trị", Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói.

Trả lời báo chí về việc một số lãnh đạo quản lý có con được nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, và có cần công bố danh tính hay không, ông Nguyễn Tư Long cho rằng: “Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu, xử lý đến đó. Và công bố hay không công bố theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc công bố danh tính thì cần cân nhắc nhiều vấn đề, phải dựa vào hành vi vi phạm chứ không ảnh hưởng đến quyền nhân thân của các đồng chí”.

Liên quan đến việc thi tuyển giáo viên năm 2019 của TP Hà Nội, lãnh đạo Vụ Công chức Viên chức cho biết, việc phân cấp về tuyển dụng đối với viên chức cũng đã được quy định rất rõ, thẩm quyền này là thẩm quyền của địa phương.

Một số thầy cô giảng dạy lâu năm có thể không vượt qua kì thi, ở đây thẩm quyền Hà Nội hoàn toàn có thể lựa chọn giữa việc thi tuyển và xét tuyển để thực hiện một chính sách nào đó đối với đội ngũ này.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, việc tuyển dụng đầu vào cũng cần phải bảo đảm mặt bằng chung và đảm bảo một cái nữa là nếu không đáp ứng được yêu cầu thì cũng cần xem xét tính công bằng, vì nếu vị trí việc làm chỉ có vậy, nếu chúng ta tăng cơ hội cho những người này thì giảm cơ hội cho những người khác.

“Đảm bảo quyền lợi đội ngũ giáo viên đó nhưng cũng phải bảo đảm cơ hội tiếp cận vị trí việc làm của những người trẻ và của những người khác chưa ở trong đội ngũ”, ông Long khẳng định.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bo-noi-vu-se-that-chat-viec-tuyen-dung-bo-nhiem-can-bo-tre_t114c1159n148308