Bộ Nội vụ không nên can thiệp việc tuyển dụng giáo viên

Các ý kiến cho rằng, tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của giáo viên phải được quy định rõ ràng, làm cơ sở để bảo vệ giáo viên, tránh việc dùng quy định thi công chức, viên chức để can thiệp vào việc tuyển dụng giáo viên.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nêu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: Phạm Quang Vinh

Phải bảo vệ được giáo viên

Giáo viên mà cứ bị dọa liên tục, không ổn định tư tưởng, lúc nào cũng có nguy cơ bị loại ra ngoài vì những lý do không đâu thì làm sao yên tâm giảng dạy được

Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC(nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội)

Cho ý kiến tại hội nghị phản biện luật Giáo dục sửa đổi do Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức sáng 22.4, tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (QH), cho rằng các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên (GV) phải đủ đảm bảo để người khác không thể can thiệp vào chuyện GV.

“Bộ Nội vụ đang can thiệp một cách không đúng vào chuyện GV. GV là những người được các trường ĐH, CĐ sư phạm đào tạo ra và cấp bằng mang tính nhà nước thì những người ấy đủ tiêu chuẩn để đứng lớp, làm GV. Họ chỉ cần giảng dạy theo đúng những gì đã được đào tạo chứ sao lại phải thi viên chức rồi loại họ ra, đưa con ông nọ, bà kia vào”, ông Chức nói và đề nghị, các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, đặc biệt là tiêu chuẩn phải thật rõ ràng chứ không phải chung chung như nghị quyết và phải làm sao để các tiêu chuẩn này bảo vệ được GV.

Dẫn chứng việc hiện nay nhiều GV được yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, ông Chức bức xúc: GV tiểu học tới THPT được bao nhiêu người thành thạo tiếng Anh mà lại yêu cầu họ phải có chứng chỉ? Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH, yêu cầu này dẫn đến sự đối phó, hình thức khi các GV phải chạy bằng rởm, bằng giả chỉ để đáp ứng yêu cầu.

“Cần phải làm rõ môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không, và nếu như vị trí đó cần phải có ngoại ngữ thì tôi đề nghị phải có chương trình đào tạo chứ không thể để họ đi học ở ngoài theo kiểu giả vờ, giả vịt”, ông Chức nói và cho biết, hiện rất nhiều GV đang kêu cứu vì loại yêu cầu này. “GV mà cứ bị dọa liên tục, không ổn định tư tưởng, lúc nào cũng có nguy cơ bị loại ra ngoài vì những lý do không đâu thì làm sao yên tâm giảng dạy được”, ông Chức nói thêm.

Dẫn chứng vụ gian lận điểm thi tại các địa phương trong thời gian qua, ông Chức cho rằng, đối với cán bộ quản lý giáo dục cũng cần ghi rõ quyền, trách nhiệm đến đâu và tiếp đó là tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng. "Tránh tình trạng đưa con ông cháu cha không có năng lực vào làm quản lý giáo dục. Quản lý giáo dục là khó nhất vì họ quản lý những "máy cái" đào tạo ra con người, không ra gì là hỏng", ông Chức nhấn mạnh.

Giáo dục không thể thị trường 100%

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu tham gia ý kiến là vấn đề xã hội hóa giáo dục. GS Nguyễn Đăng Dung (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, ông có cảm giác tinh thần của luật là đang dịch về phía thị trường, đem luật Doanh nghiệp “ốp” vào giáo dục. “Giáo dục có tính chất riêng, không thể thị trường 100% được”, ông Dung kiến nghị.

Trực tiếp hơn, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng cần phải làm rõ quan điểm xã hội hóa giáo dục trong luật sửa đổi lần này. “Tôi có cảm giác chúng ta muốn xã hội hóa để giảm bớt các khoản chi cho ngân sách nhà nước. Nhưng đâu phải chỉ vì chuyện tiền nong mà xã hội hóa. Nghĩ như vậy là thiển cận, nhỏ bé, thấp kém của những người làm quản lý nhà nước. Không phải thiếu tiền mà ta làm xã hội hóa, mà vì chúng ta muốn vận động trí tuệ, sáng tạo của toàn xã hội làm giáo dục”, ông Chức nhấn mạnh.

PGS-TS Quách Sỹ Hùng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ, pháp luật, cho rằng vấn đề đặt ra là cơ sở nào xã hội hóa giáo dục và xã hội hóa giáo dục đến mức độ nào, cấp nào. Theo ông Hùng, câu hỏi đầu tiên phải trả lời chính là cơ sở nào để kêu gọi xã hội hóa. “Nhà nước đóng vai trò chính trong đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, cần phải ghi rõ trong luật để QH quyết định là nhà nước sẽ đầu tư bao nhiêu phần trăm của GDP cho giáo dục để phần thiếu còn lại sẽ xã hội hóa. Phải rõ như vậy thì mới bàn được”, ông Hùng nêu quan điểm.

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/bo-noi-vu-khong-nen-can-thiep-viec-tuyen-dung-giao-vien-1074178.html