Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí

Chiều ngày 09/5, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua và dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Bộ Nội vụ.Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì buổi họp báo.

Cùng dự buổi họp báo có ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.

Tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Minh cho biết, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh cung cấp thông tin cho báo chí

Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh cung cấp thông tin cho báo chí

Về xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Dự thảo Luật gồm 3 Điều, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: (01) thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết; (02) sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng; (03) sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức theo hướng xác định rõ tiêu chí đánh giá thông qua công việc, sản phẩm cụ thể, gắn với vị trí việc làm để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 26 NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 và Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá; sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật thống nhất với quy định của Đảng. Sửa đổi tổ chức thi nâng ngạch, theo đó Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Về thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn: sửa đổi về các loại hợp đồng làm việc để thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới; đồng thời, quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp đã tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm áp dụng đồng bộ, khả thi….

Về bổ nhiệm lại, giải quyết nghỉ hưu đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật: sửa đổi để giải quyết vướng mắc trong quá trình xem xét, bổ nhiệm lại đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật nhưng chưa đến mức độ bị cách chức; giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật…; đặc biệt, bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.

Đối với dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Nhân dân và thanh niên góp ý. Trình thẩm định và tiếp thu ý kiến thẩm định, trình Chính phủ dự thảo; tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ… và sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33 ngày 18/4/2019, Bộ Nội vụ đang tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Về việc quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội; lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, đăng tải lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Nội vụ.

Về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó, đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể nội dung cải cách chính sách tiền lương theo quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Hiện nay, các Bộ, cơ quan đang tổng hợp, đánh giá thực trạng chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý qua các giai đoạn; rà soát văn bản quy định về chính sách tiền lương, trên cơ sở đó, đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW để gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Quang cảnh buổi họp báo

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tập trung hoàn thiện 02 Dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Tiếp tục tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Cùng với đó, triển khai Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 (sau khi Chính phủ ban hành) theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xây dựng Báo cáo đánh giá lại mô hình tổ chức cấp Tổng cục, đề xuất phương án sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng giảm cấp trung gian, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS)…

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời báo chí về các nhiệm vụ liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; về phân cấp, ủy quyền trong các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung; về đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức; về thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao…

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn trả lời báo chí

Ông Phan Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có sửa đổi một số quy định về phân cấp, ủy quyền; tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND, UBND các cấp; một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của HĐND, UBND các cấp; sửa đổi một số quy định về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở hải đảo.

Về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã đề nghị sửa đổi cụ thể hơn, tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định nguyên tắc, các luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể hơn; các luật chuyên ngành khi quy định phân cấp, ủy quyền cũng đồng thời quy định rõ các nhiệm vụ không phân cấp, ủy quyền; quy định cơ chế ủy quyền và cơ chế giám sát ủy quyền…

Về triển khai thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyên, cấp xã, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và trình Chính phủ, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết kèm theo kế hoạch triển khai trong thời gian tới, tuy nhiên, việc sắp xếp đều phải hoàn thiện trong năm 2019 hoặc chậm nhất trong quý I năm 2020.

Về tính khả thi của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP khi thực hiện sửa đổi Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP đã được nghiên cứu và khẳng định tính khả thi cao. Cụ thể, Nghị định quy định giảm số lượng cán bộ,công chức cấp xã vì hiện nay, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng cao; bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết công việc đã nâng cao hiệu quả công tác và cụ thể hóa các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 theo hướng tập trung nhiệm vụ ở cấp tỉnh, giảm nhiệm vụ ở cấp xã.

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Nguyễn Tư Long trả lời báo chí

Trả lời báo chí về vấn đề thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết, các quy định pháp luật đã giao thẩm quyền cho các Bộ, ngành lựa chọn 2 hình thức thi hoặc xét; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng sẽ nghiên cứu và bổ sung hình thức xét nâng ngạch công chức. Qua kinh nghiệm phân cấp thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức cho các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, đã tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả cao; tuy nhiên, cũng có nơi thực hiện tốt nhưng cũng có nơi cần được hướng dẫn cụ thể hơn và cần giám sát chặt hơn.

Về đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật không? Ông Nguyễn Tư Long khẳng định, việc bỏ một hình thức không làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật. Việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ làm nảy sinh xung đột với yêu cầu về vị trí việc làm. Ví dụ, vị trí việc làm xác định rõ đơn vị có một cấp trưởng, 3 cấp phó, nếu giáng chức cấp trưởng thì không còn vị trí việc làm để bổ nhiệm vì đã đủ 3 cấp phó. Pháp luật hiện hành quy định bốn hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và các mức này tương thích với bốn hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, điều này sẽ tạo được sự liên thông trong công tác cán bộ.

Về một số trường hợp cán bộ trẻ bị kỷ luật gần đây liên quan đến chính sách thu hút nhân tài, ông Nguyễn Tư Long cho biết, việc thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao thời đại nào cũng cần thiết, tuy nhiên, giải pháp đặt ra là thắt chặt và làm nghiêm túc hơn đầu vào, phải tuyển dụng đúng người có năng lực, trình độ cao, có mong muốn cống hiến cho Nhà nước và trong quá trình quản lý cần có sự giáo dục, định hướng của cơ quan để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và không vi phạm pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi họp báo

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã đồng hành cùng Bộ Nội vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa đối với các hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền sâu đậm hơn các kết quả Bộ Nội vụ đã thực hiện trong thời gian qua và các nhiệm vụ trong thời gian tới. Những thông tin cần bổ sung để làm rõ hơn nội dung quan tâm của các cơ quan báo chí, Thứ trưởng đề nghị Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, người phát ngôn của Bộ chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để chia sẻ những kết quả và nhận được sự góp ý của Nhân dân nhằm hoàn thiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ./.

Thanh Tuấn

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/bo-noi-vu-hop-bao-cung-cap-thong-tin-dinh-40547.html