Bộ NN và PTNT khuyến cáo giúp ngành thủy sản phát triển

Xuất khẩu hải sản đạt trên 3,2 tỷ USD, chủ yếu tăng ở cá ngừ (đạt 728 triệu USD) và các loại cá biển khác (đạt 1,65 tỷ USD. Đây là điểm sáng để ngành thủy sản phát triển trong năm 2020.

Chế biến sản phẩm cá tra tại nhà máy của Công ty. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Chế biến sản phẩm cá tra tại nhà máy của Công ty. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt trên 8,6 tỷ USD, giảm 2,3% so với năm 2018. Đây là kết quả không như mong đợi của toàn ngành thủy sản Việt Nam.

Nhiều mặt hàng giảm mạnh

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2019, nhiều mặt hàng thủy sản giảm giá trị như tôm, cá tra, bạch tuộc…; trong đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018.

Cụ thể, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng giảm 3,2% đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70% giá trị tôm xuất khẩu.

Tôm sú giảm mạnh 15%, đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%. Các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.

Đối với xuất khẩu cá tra năm 2019 ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm 2018, còn mực, bạch tuộc giảm 13%.

Trong nửa đầu năm 2019, toàn ngành thủy sản có những biến động lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chế biến và xuất khẩu.

Từ nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản của thị trường thế giới cho thấy, sản lượng tôm trong năm 2019 tăng nhưng nhu cầu chững lại.

Do đó, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu vào các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái. Điều này dẫn đến xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm.

Thêm vào đó, lượng cá tra tăng từ năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến dư thừa nguồn cung, một số hộ nuôi tôm gặp khó chuyển sang nuôi cá tra, dẫn đến giá cá nguyên liệu và giá xuất khẩu giảm trong thời gian gần đây.

Cụ thể, cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 49%, còn 282 triệu USD, do lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu nhập khẩu giảm, giá xuất khẩu trung bình bị ép xuống mức thấp hơn 30 – 35% so với năm 2018.

Năm 2019, thị trường Mỹ chỉ còn chiếm 14% giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam, tụt xa so với vị thế số 1 của Trung Quốc (chiếm trên 32%).

Hơn nữa, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 ở mức cao khiến cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra khó thâm nhập thị trường.

Theo ông Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng như chỉ tiêu riêng con tôm, con cá tra đều thấp hơn năm 2018.

Nguyên nhân chính là các quốc gia Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới.

Với con cá tra, Trung Quốc lại mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nguyên liệu trong nước, thậm chí phục vụ cho xuất khẩu làm tăng khả năng cạnh tranh đối với con cá tra Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, xuất khẩu tôm giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém, ở hầu hết các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; trong khi đó, chỉ thị trường Mỹ tăng nhẹ, còn Trung Quốc và Australia mới tăng trưởng được 2 con số. Cho đến nửa cuối năm, xuất khẩu tôm mới dần hồi phục.

Nỗ lực khắc phục

Có thể nói, 2019 là một năm đầy khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam. Từ con tôm, đến cá tra, hải sản khai thác, đánh bắt đều gặp những khó khăn đáng chú ý.

Con tôm gặp phải nguồn nguyên liệu cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác, cá tra đối mặt với khủng hoảng thừa nguyên liệu từ trong nước.

Riêng khai thác, đánh bắt hải sản và hoạt động nghề cá phải ứng phó với "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tuy nhiên, những mặt hàng gặp nhiều khó khăn do "thẻ vàng" còn “treo” như cá ngừ lại tăng hơn mong đợi, với gần 12%.

Ngoài ra, các loại cá biển khác cũng tăng tương đối với mức 15%, góp phần hạn chế sụt giảm kim ngạch do ảnh hưởng từ các mặt hàng tôm, cá tra và mực, bạch tuộc.

Theo đó, xuất khẩu hải sản tăng 8% so với năm 2018, đạt trên 3,2 tỷ USD, nhưng chủ yếu tăng ở cá ngừ (đạt 728 triệu USD) và các loại cá biển khác (đạt 1,65 tỷ USD); trong đó, tới 65-70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thay vì khai thác từ trong nước. Đây là điểm sáng để ngành thủy sản có thêm động lực để phấn đấu, phát triển trong năm tới.

Trước những hạn chế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những khuyến cáo và hành động, nhằm giúp ngành thủy sản phát triển tốt hơn.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục đã đánh giá và có kế hoạch riêng cho từng phân ngành trong lĩnh vực thủy sản.

Cụ thể, đối với con tôm, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo đến cán bộ nông nghiệp các địa phương hướng dẫn người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, giảm rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu.

Còn ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra ở các địa phương sản xuất mặt hàng này cũng cần quy hoạch diện tích sản xuất cụ thể để tránh hiện tượng dư cung, vượt cầu, làm giảm giá nguyên liệu, giá trị xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến nỗ lực hoàn thiện hệ thống sản xuất tương đương với quy trình sản xuất cá tuyết của Mỹ, dẫn đến khó khăn cho xuất khẩu sau này.

Bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thủy sản) chia sẻ, hạ tầng cơ sở cảng cá, sơ chế chế biến, điều kiện kho bãi hiện nay còn yếu, chưa được đầu tư tương xứng.

Đội tàu cá quá lớn, công nghệ kém, thất thoát sau thu hoạch cao, nguồn nhân lực cho khai thác và chế biến thủy sản cũng còn thiếu và yếu.

Đây sẽ là những điểm nghẽn mà ngành thủy sản phải tập trung khắc phục, tháo gỡ trong năm 2020.

Do đó, trong năm 2020, ngành thủy sản phải tiếp tục triển khai hiệu quả nội dung về nuôi trồng thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn.

Đặc biệt, các địa phương tập trung đăng ký cấp giấy xác nhận cơ sở nuôi tôm nước lợ, cá tra, nuôi lồng bè.

Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.

Như vậy, mới có thể đưa ngành thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh hơn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

Hồng Nhung/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/diem-tua-vung-chac-cho-thuy-san-viet-nam-phat-trien/144116.html