Bộ NN-PTNT sẽ giải ngân hơn 90% vốn đầu tư công trong 2020

Với tốc độ hiện nay, dự kiến Bộ NN-PTNT sẽ giải ngân được trên 90% vốn kế hoạch năm 2020 bao gồm ngân sách tập trung, trái phiếu chính phủ và vốn ODA.

 Cống âu thuyền Ninh Quới, công trình sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã phát huy hiệu quả, kịp thời chống hạn mặn năm 2019-2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Cống âu thuyền Ninh Quới, công trình sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã phát huy hiệu quả, kịp thời chống hạn mặn năm 2019-2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Về tổng quan, tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 Bộ NN-PTNT được phân bổ là 70.018,4 tỷ đồng, trong đó đã được Thủ tướng giao chi tiết cho các dự án 69.921,4 tỷ đồng với số vốn đã được giao hàng năm là 62.012,8 tỷ đồng (bao gồm 10% dự phòng).

Như vậy, số vốn trung hạn chưa bố trí được, Bộ NN-PTNT chưa nhận được đến thời điểm này là 7.908,6 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN-PTNT cho biết, do chưa bố trí được nên 7.908,6 tỷ đồng này sẽ phải chuyển sang năm 2021.

Giải ngân năm 2020 đạt trên 90%

Trong năm 2020, tổng vốn kế hoạch giao cho Bộ NN-PTNT là 15.787 tỷ đồng, trong đó gồm 12.148 tỷ đồng vốn ngân sách tập trung và vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là 3.638,8 tỷ đồng vốn ODA.

Nếu tính thêm phần vốn kéo dài từ năm 2019, số vốn ngân sách tập trung Bộ NN-PTNT cần giải ngân là 2.552 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hải Thanh, Bộ NN-PTNT đã báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dự kiến trong năm 2020 số vốn ngân sách tập trung này sẽ được giải ngân ít nhất 97%.

Đối với vốn trái phiếu chính phủ, tổng mức Bộ NN-PTNT được giao trong năm 2020 là 9.900 tỷ đồng. Lượng vốn này được chia thành 2 nhóm là hợp phần xây dựng, do Bộ NN-PTNT phụ trách và hợp phần giải phóng mặt bằng do các địa phương đảm nhiệm.

Ở hợp phần xây dựng, tính đến 31/7 đã giải ngân được 5.310 tỷ đồng tương đương 66,2% và dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành 100%, tương ứng 8.019 tỷ đồng. Tuy nhiên, với hợp phần giải phòng mặt bằng do các địa phương thực hiện, đến cuối năm chỉ dự kiến hoàn thành được 69%, khoảng 1.298 tỷ đồng.

Mặc dù giải phóng mặt bằng không đạt tỷ lệ cao nhưng nếu tính tổng thể, vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ cho Bộ NN-PTNT đến hết năm 2020 vẫn sẽ giải ngân được hơn 94%.

Chỉ có nhu cầu sử dụng 50% vốn ODA

Vốn ODA năm 2020 Bộ NN-PTNT được phân bổ là 3.638 tỷ đồng nhưng nhu cầu thực tế của các dự án chỉ là 1.830 tỷ đồng, xấp xỉ 50% và số còn lại là 1.808 tỷ đồng Bộ không có nhu cầu sử dụng.

“Vấn đề này đã được Bộ NN-TPNT gửi văn bản đến Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính ngay từ tháng 12/2019, rồi sau đó là tháng 3 và tháng 6 năm 2020 đề nghị 2 Bộ trình Thủ tướng Chỉnh phủ chuyển 1.808 tỷ đồng cho các dự án cần thiết khác”, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Nguyễn Hải Thanh khẳng định.

Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Thanh cho biết, từ cuối năm ngoái, Bộ NN-PTNT đã cho rà soát và thấy một số dự án ODA dự kiến kết thúc vào năm 2020 nhưng đã hoàn thành trong năm 2019 nên không có nhu cầu sử dụng vốn nữa và dẫn đến dôi dư.

Nguyên nhân thứ hai là kế hoạch vốn giao chậm, tập trung vào một số dự án lớn. Ông Thanh dẫn chứng: “Ví dụ như JICA 3, hợp đồng ký năm 2017, nếu kế hoạch vốn giao trong 2017-2018 thì đảm bảo sẽ giải ngân tốt. Tuy nhiên, đến tháng 10/2019 dự án mới bố trí được vốn nên chỉ mới chỉ triển khai được phần thiết kế, tư vấn dùng ít tiền hơn so với phần xây lắp”.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến Bộ NN-PTNT không có nhu cầu sử dụng 1.808 tỷ đồng vốn ODA là do thay đổi sau Chỉ thị 18 của Thủ tướng. Cụ thể, trước đây, trong hợp đồng của các dự án đã ký các mục chi thường xuyên, đào tạo, quản lý, VAT… sẽ được sử dụng vốn vay.

Tuy nhiên, sau khi Chỉ thị 18 ra đời, các mục này không được sử dụng vốn vay nữa nên số tiền dự kiến sẽ dôi ra, nằm trong số 1.808 tỷ đồng mà Bộ NN-PTNT không có nhu cầu nói trên.

Sau các cuộc làm với Bộ NN-PTNT, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ KH-ĐT đã tổng hợp, trình Thủ tướng chuyển 1.808 tỷ đồng này sang cho các dự án cần thiết hơn. “Nếu như quá trình chuyển này được thực hiện sớm, tỷ lệ giải ngân vốn ODA trong năm 2020 của Bộ NN-PTNT sẽ đạt 92%”, ông Thanh khẳng định.

Kinh nghiệm để các Bộ, ngành khác học hỏi

Trong hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công giữa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ NN-PTNT ngày 19/8 vừa qua, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá kết quả về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN-PTNT đến nay đã đạt được kết quả cao và thể hiện nỗ lực lớn.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng luôn dành nguồn vốn dự phòng đầu tư công 10% để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, vì vậy đã xử lí được dứt điểm các tồn đọng, phát sinh của các dự án. Đây là kinh nghiệm rất tốt mà các Bộ, ngành khác cần phải học hỏi.

Ông Nguyễn Cao Lục cũng cho rằng, năm 2020 là năm cuối giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vì vậy trong năm 2020, Bộ NN-PTNT đặt trọng tâm vào việc giải ngân nguồn vốn Trái phiếu chính phủ với khoảng 10 nghìn tỉ đồng là trúng định hướng, và mục tiêu cần phải đạt tỉ lệ giải ngân 100%.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá giai đoạn tới (2021-2025), ngành nông nghiệp sẽ có nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có nhu cầu sử dụng vốn đầu tư rất lớn như phát triển vùng ĐBSCL bền vững và nhiều nhiệm vụ khác về thủy lợi, bảo vệ dự trữ nguồn nước ngọt, đầu tư nâng cấp hồ đập, gia cố bảo vệ đê điều, hệ thống hạ tầng thủy sản...

Tùng Đinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bo-nn-ptnt-se-giai-ngan-hon-90-von-dau-tu-cong-trong-2020-d271843.html