Bộ NN&PTNT quy định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn

Trong buổi làm việc chiều 21/11, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủy sản sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đóng góp ý kiến vào Luật Thủy sản sửa đổi trước khi được Quốc hội thông qua. Ảnh: Quochoi.vn.

Nhiều chế tài xử lý vi phạm về khai thác hải sản

Luật Thủy sản sửa đổi được thông qua với tỉ lệ 89% đại biểu tán thành, gồm 9 chương, 105 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Trước khi đại biểu biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng báo cáo giải trình một số nội dung quan trọng còn ý kiến khác nhau.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài với tỉ lệ 90,84% đại biểu tán thành. Luật gồm 34 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết: Có ý kiến đề nghị phân cấp cho địa phương quy định danh mục khu vực cấm khai thác có thời hạn thuộc địa bàn mình quản lý trên cơ sở các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Bộ NN&PTNT quy định danh mục đối với những khu vực liên tỉnh.

Theo ông Phan Xuân Dũng: Khoản 4 Điều 13 Luật đã quy định Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. Đồng thời, tại khoản 5 giao UBND cấp tỉnh quy định bổ sung đối tượng cấm vào các danh mục này phù hợp với thực tế hoạt động khai thác thủy sản của địa phương sau khi được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT.

“Quy định như vậy là hợp lý, bảo đảm tính khách quan, đáp ứng được quyền chủ động của địa phương nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền khai thác của người dân”- ông Phan Xuân Dũng báo cáo Quốc hội.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ công tác quản lý, chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; có chính sách tuyên truyền, tập huấn về pháp luật thủy sản cho ngư dân; hoàn thiện p hương thức quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời cần quy định cụ thể hơn về: Điều kiện cấp phép khai thác thủy sản; cơ chế công khai nội dung liên quan đến xác định hạn ngạch; cơ chế minh bạch khi lựa chọn tổ chức, cá nhân được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết: Các đề nghị trên đã được tiếp thu, chỉnh lý tại các Điều 49, 50, 52, 58, 59, 61 và 62 của Luật.

Lùi thời hạn áp dụng sách giáo khoa mới

Một nội dung quan trọng khác được Quốc hội thông qua vào chiều nay là Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với tỉ lệ 89,21% tán thành.

Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Như vậy, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp Tiểu học chậm 1 năm (so với lộ trình trước đây tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 năm 2014), ở cấp Trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp Trung học phổ thông chậm 3 năm.

Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; đồng thời, bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-nong-nghiep-quy-dinh-khu-vuc-cam-khai-thac-thuy-san-co-thoi-han.aspx