Bộ NN&PTNT họp khẩn với các địa phương tìm giải pháp ngăn chặn dịch bệnh

Chiều ngày 14/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp bàn với 17 tỉnh, thành phố để tìm giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: LP

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: LP

17 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh

Theo Cục Thú y, tính đến 9 giờ sáng ngày 14/3, dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An), với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Trong 2 ngày qua, tốc độ lây lan của DTLCP có xu hướng chậm lại.

Các địa phương đã và đang quyết liệt thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cùng các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp đồng bộ ngăn chặn dịch bệnh này lây lan.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, bệnh DTLCP xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện DTLCP tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đàn lớn nhất phải tiêu hủy là 587 con tại Hải Phòng.

Vi rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Các địa phương lập chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát chặt chẽ, khống chế việc lây lan dịch.

“Nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân dịch xuất hiện ở các địa phương do một số hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của dịch. Còn hiện tượng vì tham lợi mà vẫn giết mổ, vận chuyển lợn trái phép, không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh. Nguyên nhân khác là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm lẫn ở khu dân cư, khó kiểm soát”, ông Đông chia sẻ.

Tính đến ngày 12/3/2019, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu; trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).

Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP).

Cần sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến cho biết, văn bản chỉ đạo của Bộ, của Cục, các cơ quan ngang bộ cũng đã đầy đủ và các hệ thống văn bản đó cũng đã chặt chẽ. Hà Nam đến thời điểm này cũng chỉ có 4 xã, 7 hộ ở 4 huyện với 401 con bị tiêu hủy. Ngay từ khi dịch bệnh chưa xảy ra trên địa bàn thì tỉnh cũng đã thực hiện các giải pháp phòng chống theo đúng hướng dẫn.

Cũng theo ông Hiến, với thời tiết này thì dịch lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cũng có thể xảy ra. Bởi vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc theo đúng chỉ đạo. Riêng về cơ chế hỗ trợ, Hà Nam đã trích ngân sách để hỗ trợ cho người dân ngay lập tức 32.000 đồng/kg tiêu hủy, đối với lợn nái thì tăng gấp 1,5 lần.

Còn tại Thái Bình, theo ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 3 ngày qua, mặc dù thực hiện tích cực phòng chống dịch, song lượng tiêu hủy đều hơn 60 tấn mỗi ngày. Trong tuần tới, Thái Bình sẽ công bố các thủ tục hồ sơ hỗ trợ. Do vậy, cần sớm công khai minh bạch về giá hỗ trợ với lợn nái, lợn giống.

Hơn 23,4 nghìn con lợn bệnh bị tiêu hủy tại 17 tỉnh, thành phố. Ảnh: LP

Một số địa phương cũng đề nghị cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng về những kinh nghiệm trong công tác tổ chức thực hiện phòng chống dịch bệnh có hiệu quả cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, đề nghị tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao lợn phát bệnh. Nguyên nhân vì sao lợn chết, ngoài DTLCP thì còn nguyên nhân nào khác không?

Bắc Kạn là địa phương mới phát hiện dịch vào ngày 12. Đến nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, tỉnh đã thành lập 2 chốt chặn ở quốc lộ và tiếp tục chỉ đạo lập chốt chặn tại các huyện.

"Điểm phát hiện dịch bệnh ở một xã của huyện Ngân Sơn, cách đường chính 27 km, chỉ có đường mòn vào. Lợn nuôi 9 tháng, chỉ ăn rau, cám ngô mà cũng phát bệnh", bà Hoa băn khoăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương đề nghị xem xét lại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi qua khảo sát thực tế, những hộ chăn nuôi lớn thực hiện rất tốt, thậm chí là phong tỏa chuồng trại không cho người lạ vào. Tại Hải Dương, dịch phát sinh tại các hộ nhỏ lẻ, không có tại hộ chăn nuôi quy mô lớn.

Ông Cương cho rằng, khi có dịch, cần lập tức trích nguồn ngân sách để hỗ trợ. Có như vậy, dân mới không giấu dịch. Hàng tuần, Hải Dương giao cho lãnh đạo huyện xử lý công tác hỗ trợ, thậm chí miễn họp với cán bộ được giao nhiệm vụ này.

Ngoài vôi bột, cần phải phun cả thuốc sát trùng

Theo Thứ trưởng Bôn NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Trung Quốc đang kiểm soát chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mông Cổ cũng làm rất chặt. Tôi đặt ra vấn đề là tại sao chỉ xảy ra ở hộ nhỏ lẻ. Nếu không giải quyết cặn kẽ an toàn sinh học thì rất khó kiểm soát. Ngoài vôi bột, ở các trang trại lớn người ta còn phun thuốc sát trùng. Rõ ràng 17 vừa rồi tỉnh, thành nào ra quân đồng bộ, chặt chẽ thì dịch được khống chế tốt. Ví dụ như Hà Nội hay Nam Định.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị trên tinh thần kế hoạch của Bộ, các địa phương rà soát lại phương án phòng chống DTLCP dựa trên thực tiễn địa phương mình, rà soát từ kế hoạch, biện pháp thực hiện, kế hoạch hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị.

Về công tác phòng, chống dịch trong những ngày qua, ông Cường đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ khâu giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn cho tới các công tác khác, đã được thực hiện tốt theo Chỉ thị 04 của Chính phủ.

“Từ ngày 1/2 (thời điểm dịch phát sinh dich bệnh) đến nay đã là một tháng rưỡi. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt từ khâu giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn cho tới các công tác khác, đã được thực hiện tốt theo Chỉ thị 04 của Chính phủ. Chưa có chiến dịch nào được làm đồng bộ, thuận lợi như lần này. Các cơ quan báo chí đã vào cuộc thông tin kịp thời để người dân hiểu, nắm rõ tình hình”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng chia sẻ, giải pháp an toàn sinh học là biện pháp quan trọng nhất đối với các hộ nhỏ lẻ; xử lý môi trường phải bắt đầu từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đi ra, cần rắc vôi bột thường xuyên liên tục. Thứ hai, xử lý, thức ăn triệt để; thứ ba, xử lý an toàn sinh học ngay cả đối với người chăn nuôi.

Đối với nhóm trang trại lớn, yêu cầu quán triệt bằng điện thoại, bằng mọi kênh, đừng đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan. Phải áp dụng hình thức thông tin gián tiếp một cách hiệu quả.

Về quy trình xử lý dịch, cần rà soát lại để bổ sung một cách hoàn thiện nhất, từ khâu lấy mẫu phù hợp thực tiễn; phân tích trả lời kết quả.

Vấn đề nữa là việc xử lý tiêu hủy cũng phải tổng kết lại, hố tiêu hủy được đào tại chỗ, nhưng phải đảm bảo mặt bằng, đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu vực chăn nuôi, đảm bảo quy cách hố tiêu hủy.

Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng Trung Quốc, có 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% do phương tiện vận chuyển và con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa; 19% do vận chuyển lợn sống và chế phẩm từ lợn giữa các vùng.

“Hiện nay chưa có vắc xin phòng dịch, nên biện pháp ưu tiên nhất đó là tiêu độc khử trùng, phải làm từ các hộ nuôi trở ra. Rắc vôi bột là biện pháp hiệu quả, các địa phương cần tích cực phổ biến người dân gia tăng biện pháp này", ông Cường nhấn mạnh.

Về giải pháp, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết đã có văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn. Theo đó, tạm dừng vận chuyển lợn ở các huyện có dịch ra khỏi địa phương trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi phát hiện con lợn cuối cùng mắc bệnh DTLCP được tiêu hủy.

Để ngăn chặn dịch lây lan từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào các tỉnh phía Nam, Cục Thú y đã đề nghị tỉnh Quảng Bình thành lập ngay 2 chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí đầy đủ các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam.

Các địa phương rà soát các cơ sở giết mổ, đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, kiên quyết không cho giết mổ lợn nếu không đạt yêu cầu vệ sinh thú y.

Lê Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bo-nnandptnt-hop-khan-voi-cac-dia-phuong-tim-giai-phap-ngan-chan-dich-benh_t114c1159n145854