Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng vụ gian lận xuất xứ gỗ dán xuất Mỹ

Mặc dù các bộ, ngành đã tích cực trong việc rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp có biểu hiện gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán, nhưng đến nay chưa có kết luận cuối cùng về doanh nghiệp gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ.

Đến nay chưa có kết luận cuối cùng về doanh nghiệp gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ. Nguồn: Internet

Đến nay chưa có kết luận cuối cùng về doanh nghiệp gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ. Nguồn: Internet

Xuất khẩu sang Mỹ tăng "khủng"

Bộ NN&PTNT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo "Đánh giá về ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới", trong đó phân tích khá rõ câu chuyện gian lận xuất xứ gỗ dán xuất sang Mỹ.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay gỗ dán của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 668,2 triệu USD, tăng 72,6% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 189,6 triệu USD, tăng tới 269,7%.

9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu gỗ dán đạt 480,6 triệu USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ đạt 165 triệu USD, vẫn tăng 46,3%.

Về mặt nhập khẩu, gỗ dán của Việt Nam hiện được nhập từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ với giá trị nhập khẩu năm 2018 đạt 195,1 triệu USD, tăng 21,9% so với năm 2017. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 173 triệu USD, tăng 29,4%.

9 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu đạt 142,1 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập từ Trung Quốc là 123,8 triệu USD, tăng 7,5%.

Thời gian vừa qua có thông tin một số doanh nghiệp gỗ sản xuất, kinh doanh gỗ dán nghi gian lận xuất xứ xuất hàng sang Mỹ. Báo cáo do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn ký gửi Thủ tướng nêu rõ, theo Bộ Công Thương, bước đầu điều tra có những kết quả phản ánh vi phạm của các doanh nghiệp về sử dụng giấy tờ không hợp pháp, có dấu hiệu làm giả.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc bán thành phẩm từ Trung Quốc để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O.

Với trường hợp cụ thể của Công ty TNHH Việt IND, Bộ NN&PTNT dẫn báo cáo của Sở NN&PTNT Bắc Giang cho hay: Bước đầu kiểm tra Công ty TNHH Việt IND cho thấy có một số sai sót như chưa lập sổ theo dõi nhập xuất lâm sản, không ghi chép vào sổ xuất, nhập khẩu lâm sản mà ghi theo số liệu kế toán, không lưu giữ hồ sơ lâm sản sản xuất ra...

"Mặc dù các bộ, ngành đã tích cực trong việc rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp có biểu hiện gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán, nhưng đến nay chưa có kết luận cuối cùng về doanh nghiệp gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ", Bộ NN&PTNT khẳng định.

Kiến nghị cho ngành Công Thương, Tài chính

Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản, xuất khẩu và phòng chống gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phòng chống gian lận thương mại nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản, đặc biệt là việc kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.

Bên cạnh đó, kiểm tra, chỉ đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm gỗ dán đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ.

Với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 31/2018-NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Đồng thời, nghiên cứu có chính sách ưu đãi thuế để tạo điều kiện khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ chế biến gỗ, lâm sản tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Kiến nghị dành cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định cấp phép đầu tư đối với dự án FDI đầu tư vào chế biến gỗ, lâm sản nhằm loại bỏ những dự án chuyển giá, dự án có công nghệ chế biến gỗ, lâm sản bị cấm chuyển giao, hạn chế chuyển giao...

Từ ngày 4/1/2018, Mỹ áp thuế chống bán phá giá 183,36% đối với các đơn hàng gỗ dán trang trí bằng gỗ cứng (gỗ nhiệt đới) và một số tấm phủ veneer nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm: Tất cả các sản phẩm gỗ dán từ gỗ cứng có mặt trước và/hoặc mặt sau được phủ veneer hoặc phủ bề mặt; có hay không lớp phủ bề mặt hoặc lớp phủ đó che khuất, kết cấu; gỗ dán đã được cắt, cắt theo kích thước, không bị cắt, đục lỗ hoặc khoan hoặc đã gia công qua các hình thức khác; gia công thêm ở nước thứ ba.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, để gây áp lực đối với Trung Quốc, đến nay Mỹ đã áp thuế bổ sung 25% đối với 44 mã hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5/2019.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bo-nnptnt-bao-cao-thu-tuong-vu-gian-lan-xuat-xu-go-dan-xuat-my-114837.html