Bổ nhiệm thượng tá Võ Đình Thường: Liệu có khách quan?

Một cán bộ nếu đã từng bị cách chức, kỷ luật vẫn có thể phấn đấu và được bổ nhiệm lại, vấn đề là được bổ nhiệm vào vị trí nào.

Vòng xoay tròn chức vụ

Dư luận đang xôn xao quanh câu chuyện 14 năm trước Đại úy Võ Đình Thường, Trạm trưởng trạm CSGT Dầu Giây bị cách chức, luân chuyển; nay xuất hiện Thượng tá Võ Đình Thường với vai trò Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an Đồng Nai.

Trước câu chuyện trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 24/10, PGS.TS Ngô Thành Can - Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự , Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: "Khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cho một cá nhân trong bộ máy, họ sẽ xem xét quá trình làm việc của cán bộ có sai phạm gì hay không so với quy định.

Ở đây có vấn đề trong việc bổ nhiệm khiến cho dư luận nghi ngại về trường hợp này, đó là dù cán bộ trên bị kỷ luật nhưng vẫn được thăng chức, bổ nhiệm vị trí cao hơn, rồi liên quan vấn đề tế nhị là có người nhà cổ phần đứng hàng thứ 4 trong công ty trạm thu phí, nơi cán bộ đưa ra các quyết định không hợp lòng dân, triệu tập các tài xế.

Vấn đề ở đây là bản thân lý lịch của cán bộ, quá trình bổ nhiệm sau khi bị kỷ luật và các quyết định gần đây, khiến cho người dân nghi ngại.

Thượng tá Võ Đình Thường

Thượng tá Võ Đình Thường

Thực ra trong các quy định về khen thưởng, kỷ luật theo Luật ban hành, các cán bộ sẽ có các dạng kỷ luật khác nhau, thường thì hay luân chuyển sang vị trí khác, sau một thời gian, thời hiệu kỷ luật qua đi, họ lại phấn đấu, tiếp tục phát huy năng lực, thì vẫn được xem xét, bổ nhiệm.

Chỉ có điều, thường là cán bộ vi phạm ở vị trí nào đó, thì không nên điều động lại các vị trí vốn đã sai phạm. Nếu được bổ nhiệm đơn vị khác, chức vụ khác thì phù hợp hơn, bình thường nếu phấn đấu, tiếp tục làm tốt công việc, vẫn được xem xét, bổ nhiệm, nhưng không nên quay lại vị trí cũ, vốn dĩ nhạy cảm đã từng sai phạm.

"Thứ nhất, theo tôi, dù sau một thời gian cố gắng, phấn đấu tốt, quay lại vị trí vốn bị kỷ luật là không được.

Thứ hai, cán bộ tái phạm các hành động, quyết định mà người dân cho rằng không nên làm thì phải xem xét lại quyết định bổ nhiệm. Chính vì thế, nhiều khi những cá nhân cán bộ, bản thân họ suy nghĩ kỹ hoặc chưa suy nghĩ kỹ đưa ra các hành động, gây nghi ngại trong nhân dân, lúc đó nên xem xét lại vấn đề năng lực.

Thay vì khẳng định bổ nhiệm đúng quy trình, Đồng Nai cần xem xét lại quá trình bổ nhiệm cụ thể như thế nào, làm rõ cho nhân dân được biết, nếu anh bổ nhiệm đúng thì không có gì phải ngại minh bạch.

Không nhất thiết phải xin lỗi nếu làm sai, nhưng cần lấy đó làm bài học kinh nghiệm về việc bổ nhiệm, quy trách nhiệm cụ thể người đề cử và ký quyết định bổ nhiệm", ông Can phân tích.

Đưa chuyện cá nhân vào việc công

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Một cán bộ sai phạm rồi bị cách chức, có thời gian sửa chữa, thì vẫn có thể trở lại là một cán bộ bình thường, tiền án, tiền sự cũng được xóa nhòa đi theo thời gian.

Thực tế, theo Luật có điểm quy định, người cán bộ sai phạm về một lĩnh vực nào đó, như tiền bạc thì không được làm kế toán, thủ quỹ. Nhưng trong Luật cũng có quy định phải có thời gian cụ thể không được đảm nhận các nhiệm vụ có liên quan.

BOT Biên Hòa đang tạm ngưng hoạt động

Còn việc thấy cán bộ sai phạm mà vẫn bổ nhiệm là đáng tiếc, đáng trách với người lãnh đạo.

Người quản lý cán bộ khi đề bạt người nào lên thì phải xem quá trình công tác có vi phạm gì hay không, cán bộ từng vi phạm trong lĩnh vực giao thông, mà bây giờ lại được bổ nhiệm đúng lĩnh vực đó, dư luận nghi ngại là đúng.

Rồi bây giờ chuyện liên quan trạm thu phí, mà con gái cán bộ đó là cổ đông lớn trong công ty thu phí, triệu tập tài xế lên truy vấn, thì điều này được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng, về đưa chuyện cá nhân vào việc công".

Theo ông Thuận, việc một cán bộ sai phạm bị kỷ luật hết thời gian thi hành kỷ luật, sửa chữa, phấn đấu, vẫn có thể được bổ nhiệm lại, nhưng phải là vị trí khác. Còn hiện nay, ở Đồng Nai, việc bổ nhiệm một vị trí tương tự, đã từng có sai phạm là không nên.

Với trường hợp trên, Bộ Công an cần vào cuộc xác minh, làm rõ và có câu trả lời thật minh bạch, rõ ràng về trường hợp ông Thường để đánh tan những hoài nghi của dư luận.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-nhiem-thuong-ta-vo-dinh-thuong-lieu-co-khach-quan-3345725/