Bổ nhiệm lãnh đạo bị kỷ luật: Có thỏa đáng?

Xét về mặt pháp lý, việc bổ nhiệm ông Tất Thành Cang, Ngô Văn Tuấn không có vấn đề gì, nhưng về mặt đạo lý, nhiều ý kiến không đồng tình.

Dư luận đang xôn xao trước việc hai cựu lãnh đạo vừa bị kỷ luật nặng của tỉnh Thanh Hóa và TP.HCM được bổ nhiệm vào chức vụ khác.

Cụ thể, ông Ngô Văn Tuấn bị cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, sau đó được tỉnh phân công làm chuyên viên của Văn phòng UBND tỉnh, giữ chức Tổ trưởng tổ giúp việc của Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở. Giờ đây, ông Tuấn được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.

Ông Tất Thành Cang bị Ban Chấp hành Trung ương cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Cang vẫn còn là thành ủy viên. Mới đây, ông Tất Thành Cang đã được phân công làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM.

Trước việc bổ nhiệm hai cựu lãnh đạo bị kỷ luật nặng của Thanh Hóa và TP.HCM, trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia hành chính công đều cho rằng, xét về mặt pháp lý, việc bổ nhiệm hai ông Ngô Văn Tuấn, Tất Thành Cang không sai.

Theo khoản 2 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức: Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, xét về mặt đạo lý, thì các chuyên gia thừa nhận việc dư luận thấy "sao sao" trước việc ông Ngô Văn Tuấn, ông Tất Thành Cang đã bị kỷ luật nhưng vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ khác là điều có thể hiểu được.

Ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa chính thức được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa

Ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa chính thức được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa

PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia đặt câu hỏi: "Việc bổ nhiệm vẫn đúng quy trình vì văn bản pháp luật cho phép bổ nhiệm những người từng bị xử lý kỷ luật vì những vi phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vào các chức danh quản lý mới. Thế nhưng, về mặt đời thường, việc bổ nhiệm những lãnh đạo bị kỷ luật liệu có nên hay không?".

Theo ông Sơn, ở các nước, việc các chính trị gia mất chức rồi lại quay trở lại giữ chức vụ ấy là chuyện bình thường nhưng đó là khía cạnh khác.

Chẳng hạn, ở Thái Lan, ông Chuan Leekpai đã hai lần làm thủ tướng Thái Lan. Cụ thể, ông Chuan Leekpai được bầu chức thủ tướng vào năm 1992. Ông thua trong cuộc bầu cử năm 1995 nhưng lại lên làm thủ tướng một lần nữa vào cuối năm 1997 sau khi chính quyền của ông Chavalit Yongchaiyut sụp đổ do cuộc khủng hoảng tài chính 1997.

"Việc không được tín nhiệm trong đảng bằng lá phiếu bầu là khía cạnh khác, còn trong trường hợp cụ thể mà dư luận đang lên tiếng, đó là những lãnh đạo vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Rõ ràng, cần xem xét lại các quy định, quy trình, thủ tục, sửa Luật Cán bộ, công chức, đặc biệt phải phân biệt rõ hai khía cạnh: một là xử lý nội bộ của Đảng, hai là xử lý vi phạm pháp luật nhà nước. Hai vấn đề ấy phải gắn bó rất chặt chẽ với nhau", PGS.TS Võ Kim Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia hành chính công - PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cũng chia sẻ với sự không đồng tình của dư luận trước việc bổ nhiệm hai lãnh đạo bị kỷ luật, tuy nhiên ông cho rằng cần phải có sự đánh giá cẩn thận và công tâm.

Ngày xưa, đối với những trường hợp bị kỷ luật như vậy, người ta không bổ nhiệm lại vị quan chức đó ở địa phương mà ông ta từng công tác, thay vào đó sẽ điều ông ta đến địa phương khác, nơi người dân không biết đến những sai phạm của vị quan chức đó.

Nhưng ngày nay thông tin rất rộng rãi, người dân có thể biết hết. Việc bổ nhiệm lại các cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật đòi hỏi phải có quá trình thử thách, người cán bộ ấy phải chứng minh được năng lực bản thân để người dân thấy thuyết phục.

"Không phải cứ hết thời hạn kỷ luật là bổ nhiệm lại ngay những người bị kỷ luật cách chức lãnh đạo. Quan trọng nhất là phải căn cứ vào thực tiễn hoạt động, năng lực của người đó, cộng với việc phải lấy ý kiến của nơi định bổ nhiệm người đó cùng ý kiến của quần chúng", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-nhiem-lanh-dao-bi-ky-luat-co-thoa-dang-3377402/