Bổ nhiệm cán bộ là con lãnh đạo: Nếu đúng, hãy để thời gian trả lời!

Việc bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt cán bộ là con em các đồng chí lãnh đạo rất nhạy cảm, nhưng không vì thế mà không làm. Hiện nay chúng ta cũng không thiếu gì con em các đồng chí lãnh đạo được đào tạo bài bản, tự khẳng định bản thân… Nếu họ hội tụ các yếu tố, có đức, có tài thì tại sao chúng ta lại không tạo cho họ cơ hội chứng minh năng lực của mình mà cứ xoay quanh câu chuyện 'họ là con ông nào'?

Những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về việc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc vừa mới công bố các quyết định của UBND tỉnh về điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Đáng chú ý là trường hợp bà Trần Huyền Trang (31 tuổi), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư Vĩnh Phúc, được bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư.

Câu chuyện chẳng có gì là ồn ào nếu như bà Trang không phải là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ xưa nay, mỗi khi có việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là con em của lãnh đạo nào đó, thì búa rìu dư luận lại hình dung ra hàng loạt câu hỏi về năng lực cũng như quy trình bổ nhiệm, liệu người đó có xứng đáng nếu như không có sự nâng đỡ.

Về việc này, ông Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và trên cơ sở thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đặt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp lên hàng đầu, và được tỉnh xác định là một trong những khâu đột phá. Trong vấn đề quy hoạch nhân sự, tỉnh đặc biệt chú ý đến đối tượng cán bộ nguồn là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có triển vọng, cán bộ trưởng thành từ thực tiễn để bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt... Dĩ nhiên, những con người này phải hội tụ nhiều yếu tố, phải đạt được những thành tích nhất định về chuyên môn cũng như năng lực lãnh đạo thực tiễn.

Theo ông Huy, việc bổ nhiệm bà Trang đã được thực hiện đúng quy trình 5 bước theo quy định, khách quan, minh bạch, không có sức ép, áp lực

Theo ông Huy, việc bổ nhiệm bà Trang đã được thực hiện đúng quy trình 5 bước theo quy định, khách quan, minh bạch, không có sức ép, áp lực

Không riêng gì bà Trang, vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm nhiều cán bộ là lãnh đạo, trong đó có 14 đồng chí sinh năm 1980 đến 1990, trong đó phải kể đến đồng chí Nguyễn Hồng Nhung, sinh năm 1986, là Tỉnh Ủy viên, Phó chủ tịch Hội LHPN được bổ nhiệm Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; đồng chí Đào Đặng Hòa, sinh năm 1985, Trưởng phòng lãnh sự người Việt Nam ở nước ngoài (Sở Ngoại vụ), được bổ nhiệm giữ chức Phó GĐ sở Ngoại vụ…

Theo ông Huy, việc bổ nhiệm bà Trang đã được thực hiện đúng quy trình 5 bước theo quy định, khách quan, minh bạch, không có sức ép, áp lực. Việc này xuất phát từ nhu cầu bổ sung lãnh đạo của Sở KH&ĐT và thực tiễn thiếu hụt cán bộ lãnh đạo trẻ, nữ của tỉnh. Bà Trang là cán bộ có tư duy tốt, được đào tạo cơ bản về chuyên môn và lý luận, có đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Qua thực tiễn công tác tại các cơ quan, bà Trang đều được đánh giá là cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Bàn sang một khía cạnh khác, thực tế hiện nay, mỗi tỉnh thành có hàng trăm đơn vị hành chính, và với 63 tỉnh thành cả nước, đó là chưa kể các cấp Trung ương, thì số cán bộ, công chức làm lãnh đạo tại các đơn vị hành chính đó là một con số khổng lồ. Những con người này nếu như theo quy định thì đều là tầng lớp tri thức, được đào tạo bài bản, thì việc họ sản sinh ra những thế hệ con cháu được giáo dục trong một môi trường có truyền thống, có địa vị xã hội thì đó cũng là một nguồn cán bộ cần được tận dụng.

Bàn về việc bổ nhiệm các bộ trẻ trên VOV, ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương nêu thực tế đáng suy ngẫm đó là: Khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhiều người hay đặt câu hỏi: "Đồng chí này là con của đồng chí nào?". Rõ ràng, nhiều người không quan tâm lắm đến đồng chí này là ai, học hành thế nào, phấn đấu ra sao, mà trọng tâm câu hỏi là nhắm vào đồng chí nào. Cũng vì là "con của đồng chí nào" cho nên đồng chí này mới được ưu ái, nâng đỡ kiểu "thần tốc" như vậy.

Theo ông Quát, "Trước đây, có nhiều đồng chí lãnh đạo cho con em mình đi bộ đội, xuống cơ sở để rèn luyện, phấn đấu và có nhiều người đã trưởng thành rất tốt. Và chắc chắn rằng hiện nay chúng ta cũng không thiếu gì con em các đồng chí lãnh đạo được đào tạo bài bản, tự khẳng định bằng những nỗ lực tự thân mà không có "bóng mát", trải thảm của cha, ông, thì tội gì tổ chức không cất nhắc".

"Hiện nay, nguồn cán bộ trẻ được đào tạo ở trong nước và nước ngoài rất nhiều, nếu tổ chức, đơn vị sớm phát hiện được những nhân tố tiêu biểu thì phải kịp thời bố trí, đưa về cơ sở, từ cấp thấp nhất để cho họ có cơ hội được rèn luyện phát triển đi lên. Đây cũng là cơ sở để các cấp cao hơn lựa chọn nhân sự" - ông Đào Duy Quát cho biết.

Có thể thấy trong hồ sơ bổ nhiệm của bà Trần Huyền Trang đã phần nào thể hiện được năng lực, trình độ về chuyên môn nhất định trong công việc, và chức vụ từng kinh qua. Để có được những kết quả đó không phải là ngày một, ngày hai, mà đó là quá trình 7 năm công tác, một thời gian không phải là ngắn.

Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi nếu bà Trang không phải là con lãnh đạo tỉnh, thì liệu có được bổ nhiệm?, và rằng có nhiều cán bộ năng lực, cống hiến còn nhiều hơn thế nữa tại sao lại không?.

Nói về các điều kiện, như trả lời của Ban Tổ chức tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thì tất cả đều đúng quy trình… và có giải thích như thế nào đi chăng nữa thì dư luận chỉ quan tâm đó là "con đồng chí nào?.

Nhưng, chúng ta hãy thử đặt ngược câu hỏi lần nữa, nếu đó không phải là con đồng chí nào thì dư luận liệu có đặt câu hỏi như vậy không?

Xin thưa có!, Rồi sẽ xuất hiện những câu hỏi khác. Đó là việc bổ nhiệm liệu có sự nâng đỡ "không trong sáng", bởi lẽ thời gian qua có quá nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra tại một số tỉnh thành về việc một số cán bộ trẻ được cất nhắc, bổ nhiệm nhưng không đủ năng lực, tiêu chuẩn cũng như quy trình.

Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận khách quan về việc bổ nhiệm cán bộ trẻ có người thân là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cấp cao hơn nữa không phải chuyện xưa nay hiếm, mà trên thế giới, ngay cả các nước phương Tây phát triển thì cũng rất phổ biến. Họ có thể không học tại những trường danh tiếng, nhưng có sự kế thừa truyền thống, kinh nghiệm cha ông, mà nếu như người bình thường, họ phải mất một quá trình lâu dài để rèn luyện, phấn đấu. Do đó, nếu chúng ta chỉ quan tâm người đó là con ai thì vẫn chưa đủ, mà cái quan trọng là người có có đủ đức, đủ tài hay không?.

Và rằng, nếu như việc bổ nhiệm đó không có sự nâng đỡ, đúng quy trình, thì mọi định kiến của chúng ta cũng chỉ dừng lại ở suy đoán chủ quan. Khen hay chê việc đề bạt cán bộ trẻ nếu không có cơ sở thì xin đừng phán nhăng, phán cuội. Đừng ngồi trong phòng kín nói vô bổ, chẳng sợ ai phạt, mạnh miệng theo đám đông tung tẩy phán trên giời dưới bể.

Do đó, tại sao không để cho họ chứng minh năng lực?, tại sao không để thời gian tự trả lời?.

CHU LƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bo-nhiem-can-bo-la-con-lanh-dao-neu-dung-hay-de-thoi-gian-tra-loi-20210302111448358.htm