Bỏ ngoài tai lời đàm tiếu 'đưa ma về thờ', cựu binh quyết tâm lập bảo tàng trả nghĩa đồng đội

'Đây không phải là ma mà là đồng đội, họ đã chết cho tôi sống nên tôi phải trả nghĩa cho họ', người cựu tù Phú Quốc nói về việc lập bảo tàng để tri ân đồng đội.

Trong chương trình giao lưu các điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, nhiều người ấn tượng với hình ảnh cụ ông tóc bạc phơ, mặc bộ quân phục nặng trĩu huân, huy chương, bước đi khập khiễng nhưng khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ, tự hào.

Ông là Lâm Văn Bảng (77 tuổi, ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Ông Bảng là 1 trong 20 cá nhân điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.

Ông Bảng từng là lính Đại đội 16, Pháo ĐKZ, Trung đoàn 1 (hay còn gọi là Trung đoàn Bình Giã), bị địch giam tù ở Biên Hòa, sau đó đày ra Phú Quốc.

Người cựu binh này được nhiều người biết đến khi tự đứng ra xây dựng Bảo tàng tri ân đồng đội, hiện ông là Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày. Ông dành nửa đời còn lại để đến nhiều miền quê trên dải đất hình chữ S tìm kiếm, sưu tầm các kỷ vật của đồng đội trong chiến tranh.

Ông Lâm Văn Bảng là 1 trong 20 cá nhân điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.

Ông Lâm Văn Bảng là 1 trong 20 cá nhân điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.

Ông Bảng nhập ngũ năm 1965, đến năm 1968 ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Trong suốt 5 năm tù đày, ông và những đồng đội của mình bị địch hành hạ, tra tấn dã man.

Tuy nhiên, ông và đồng đội không nhụt chí, vẫn hoạt động chính trị và đấu tranh với kẻ địch. Theo ông, nếu không đấu tranh để bảo vệ khí tiết của anh bộ đội cụ Hồ thì bị địch chuyển hóa, bị biến thành nô lệ và tay sai cho chúng.

“Khi ở trong tù, bài thơ “Kinh Nhật Tụng” của Bác đã truyền lửa cho anh em chiến sĩ bị địch bắt tù đày lúc bấy giờ. Nội dung bài thơ thế này: “Đối với mình hàng ngày nghiêm khắc. Đối với người đừng thắc mắc chi. Khoan thai lựa tiếng, lựa lời. Tìm người kiếm cách mỗi khi sửa người”. Tức là trong cuộc sống đời thường chúng ta phải hết sức khiêm nhường, học tập quần chúng”, ông Bàng cho biết.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ đó, ông Bảng và những cựu tù dùng mọi hình thức chống địch để giúp sức cho tiền tuyến thông qua những hoạt động như tổ chức học tập lý luận chính trị của Đảng, quán triệt sâu sắc và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để giữ khí tiết của người bộ đội cụ Hồ, giữ vững ý chí kiên cường và bản chất của người Đảng viên, những cựu tù bấy giờ còn lấy máu của chính mình vẽ chân dung Bác để kỷ niệm các ngày lễ.

Sau năm 1973, ông Lâm Văn Bảng cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris. Trở về cuộc sống đời thường, ký ưc thời chiến, về những người đồng đội đã hy sinh luôn in đậm trong tâm trí của ông. Ông thầm nghĩ, góc khuất của cuộc chiến tranh là máu, xương của người chiến sĩ, những người đồng đội mình.

Để gìn giữ và thể hiện tấm lòng tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước, đồng thời nhắc nhở cho các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình, tự do, ông Bảng quyết định đi tìm những kỷ vật của thời chiến. Ý định thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy được hình thành từ đó.

“Tôi luôn nghĩ mình mắc nợ với anh em đồng đội đã khuất. Anh em đã chết để tôi được sống và có ngày hôm nay. Đó chính là động lực để tôi quyết định sưu tầm những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật chiến tranh để trưng bày.

Tâm nguyện của tôi là muốn thông qua những hiện vật này để giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhắc nhở mọi người rằng chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự hy sinh của biết bao lớp người, đồng thời cũng là nơi để tố cáo tội ác chiến tranh”, ông Bảng nói.

Ông Lâm Văn Bảng xây Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày để tri ân đồng đội.

Nói về quá trình thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày, ông Bảng cho biết đây là việc không hề đơn giản bởi vì lúc bấy giờ không ai tin ông, cho rằng ông đang làm những việc mê tín dị đoan. Thậm chí, nhiều người lời ra tiếng vào, xì xào, rêu rao ông đưa ma về thờ.

"Ngay cả vợ tôi lúc đầu cũng bán tín bán nghi khi nghe người ta đồn về việc tôi đưa ma về thờ. Lúc đó tôi mới nói với vợ mình rằng, đây không phải là ma, mà đây là đồng đội, nếu không có đồng đội thì tôi không có ngày hôm nay. Họ đã chết cho tôi sống nên tôi phải trả nghĩa cho họ”, ông Bảng kể.

Vậy là bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu của người đời, người cựu tù vẫn miệt mài thực hiện mong ước lập một bảo tàng lưu giữ những kỉ vật của những người lính bộ đội cụ Hồ.

Theo ông Bảng, một trong những khó khăn lớn nhất khi đi sưu tầm các kỷ vật là do ông tuổi cao, sức yếu nên việc đi lại không thuận lợi. Nhưng với tinh thần của người lính, hướng đến những đồng đội đã hy sinh nên những khó khăn đó dần qua đi.

lam-van-bang 3 5

Nếu không có đồng đội thì tôi không có ngày hôm nay. Họ đã chết cho tôi sống nên tôi phải trả nghĩa cho họ.”

Ông Lâm Văn Bảng

Ban đầu gia đình, làng xóm chưa hiểu hết nên không tán thành, chính vì vậy khi sưu tầm các kỷ vật về ông Bảng chỉ để vào phòng truyền thống với diện tích vẻn vẹn 12m2 tại gia đình.

Ông Bảng tâm sự: “Sau này, đi tới đâu tôi cũng mang kỷ vật đi cho anh em xem. Từ đó cũng để giới thiệu với mọi người hiểu, góp sức cho công việc ý nghĩa đó”.

Qua thời gian, mọi người cũng dần hiểu việc làm ý nghĩa và ủng hộ ông Bảng. Được sự ủng hộ của gia đình, sự cổ vũ của đồng đội, ông Bảng đã dành thời gian và tâm huyết đi sưu tầm các hiện vật, kỷ vật chiến tranh.

Ông quyết định dành toàn bộ ngôi nhà 2 tầng cùng khu đất hơn 2.000m2 để làm khu trưng bày. Không quản ngại đường sá xa xôi, ông Bảng vượt qua hàng ngàn cây số đi tìm hiện vật của những đồng đội.

Tôi có hai lương, một lương hưu và một lương thương binh. Lương hưu thì đưa vợ nuôi con, còn lương thương bình thì tôi dành hết vào việc thực hiện ý nguyện của mình. Trang trải cho hành trình đi tìm lại những kỷ vật của đồng đội, của chiến tranh. Những việc làm của tôi xuất phát từ cái tâm, mong được tri ân những anh em đã hy sinh trong chiến tranh”, ông Lâm Văn Bảng cho hay.

Ngày 11/10/2006, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức được thành lập. Đến nay, sau 13 năm hoạt động, với 10 phòng trưng bày cùng hơn 4.000 hiện vật, mỗi năm bảo tàng đón hàng vạn du khách thăm quan, trở thành một địa chỉ lưu giữ, trưng bày, tố cáo tội ác chiến tranh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Để trả nghĩa đồng đội, trong khuôn viên Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày, ông Bảng lập Đền thờ liệt sĩ. Trong đó, thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các anh hùng liệt sĩ hy sinh ngoài chiến trường.

“Trong Bảo tàng còn có nơi để thờ liệt sĩ hy sinh trong các nhà tù của địch trong thế kỷ 20 với ý nguyện mọi người hiện nay chưa tìm thấy thân nhân của mình, chưa tìm thấy hài cốt thì về đây thắp hương, tưởng niệm. Tôi đi khắp nghĩa trang toàn quốc, kể cả Lũng Cú và Côn Đảo, Phú Quốc… lấy đất, bốc chân hương về làm lễ tri ân”, ông Bảng chia sẻ.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày có những thứ đặc biệt mà không một bảo tàng nào trên mảnh đất hình chữ S này có được.

Trước hết, Bảo tàng hoạt động theo tinh thần 4 tự - “tự túc, tự nguyện, tự quản và tự chịu trách nhiệm”. Bảo tàng có một Chi bộ (5 người) gồm những đảng viên đã hoạt động công tác đảng trong tù giờ về sinh hoạt cùng nhau, trực thuộc Huyện ủy Phú Xuyên.

Và điều đặc biệt nữa, khách đến thăm quan bảo tàng không mất phí.

Theo ông Bảng, trong những hiện vật ở đây còn ẩn hiện đâu đó linh hồn đồng đội, như cái răng bị địch bẻ, dụng cụ tra tấn, những viên đá thành cổ Quảng Trị,… Đây là những hiện vật có hồn nên trong bảo tàng có câu: “Xin quý khách nhẹ chân một chút. Trong nơi này có hồn của bạn tôi. Mỗi hạt phù sa thấm đậm máu sương rơi. Bao chiến sĩ tử tù nơi đất đảo, trong đó có hồn người”.

Hiện nay, hàng ngày bảo tàng có 15 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ.

Mọi người đều đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hy sinh. Trong bữa cơm ở bảo tàng, mỗi người 2 bát, 2 đôi đũa, một của mình, một dành mời hương hồn đồng đội cùng ăn; gắp cho đồng đội rồi mới gắp vào bát của mình.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày trở thành địa chỉ thăm quan, nơi lưu giữ, trưng bày hiện vật, tố cáo tội ác chiến tranh, giáo dục truyền thống cho muôn đời sau.

Ở độ tuổi xưa này hiếm nhưng ông Lâm Văn Bảng vẫn tâm huyết với thế hệ trẻ và nặng lòng với đất nước, vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay noi theo.

Ông chia sẻ: “Ở địa phương, năm nào tôi cũng tổ chức nói chuyện với học sinh, từ đó truyền lại kinh nghiệm và giáo dục đạo đức, giúp thế hệ trẻ có hành trang vững bước vào đời. Thế hệ trẻ ngày nay phải biết sử ta, phải hiểu thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu như thế nào, có như vậy mới giữ yên nước và đánh thắng mọi kẻ thù”.

Ông Lâm Văn Bảng nhấn mạnh thêm, tuổi trẻ hôm nay và mai sau nếu không thấy được sự lãnh đạo tài tình của Đảng, không thấy được sự hy sinh lớn lao của các anh hùng dân tộc, đó là thiếu lòng yêu nước.

Thiếu lòng yêu nước thì nguy cơ mất nước sẽ đến. Lúc đó, không có kẻ thù này thì kẻ thù khác xuất hiện, kẻ thù xuất hiện thì đương nhiên nhà tù mọc lên. Do đó, ông Bảng cho rằng, việc giáo dục truyền thống không của riêng ai, của toàn Đảng, toàn dân.

Theo cựu tù Lâm Văn Bảng, anh em chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày là những người hiểu được lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bởi vì những cựu tù như ông mất tự do, sống trong lòng địch nên hiểu thế nào là giá trị của sự tự do. Nếu không thấy truyền thống dân tộc, nét đẹp văn hóa thì sớm muộn gì cũng phải trả giá.

Là 1 trong 20 gương điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Lâm Văn Bảng xúc động cho biết, ông làm theo cái tâm, theo lời dạy của Bác, thầm hứa sẽ làm tốt hơn nữa, đem nhiệt huyết truyền lại cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau.

Ông khẳng định: “Tôi sẽ cố gắng học tập và làm theo Bác Hồ nhiều hơn nữa, đến bao giờ không còn sức khỏe mới ngừng”.

Kông Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-ngoai-tai-loi-dam-tieu-dua-ma-ve-tho-cuu-binh-quyet-tam-lap-bao-tang-tra-nghia-dong-doi-d493689.html