Bỏ ngỏ lao động ngư phủ

Cuối tháng 7, Trịnh Hoài T và Danh Thanh H cùng ngụ tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đến Bạc Liêu. Ăn nhậu thả ga với bạn bè, cuối cùng cả hai trở thành con nợ.

Ngư phủ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Một chủ quán nhậu giới thiệu T và H đi “làm cá” tại Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu để vừa có tiền trả nợ, vừa có thu nhập hằng tháng từ 5 - 7 triệu đồng. T là người tâm thần, tưởng vậy là thật. Nào ngờ bước đường đổi đời của cả hai là những ngày tháng hãi hùng nơi biển cả.

Sự việc đến mức gia đình phải nhờ công an địa phương can thiệp hai ngư phủ bất đắc dĩ mới được về nhà. Câu chuyện trên là một trong rất nhiều trường hợp thanh niên Miền Tây Nam Bộ, rơi vào đường dây cung cấp lao động cho các chủ tàu cá. Người lao động làm ngư phủ không ai được đào tạo; không có tổ chức nào bảo vệ; lao động trong môi trường khắc nghiệt...

Chính vì thế hàng loạt đường dây “cò” ngư phủ xuất hiện một cách công khai để lắp vào chỗ trống tuyển dụng lao động này.

Đã có không ít những điều tiếng về những ngư phủ làm việc trên các chuyến tàu sau khi cặp bến. Đó là những “Việt kiều biển” khi cặp bến họ có “ba cọc ba đồng” nướng hết vào những quán nhậu, những tụ điểm ăn chơi. Chơi sang đến mức mà Việt kiều cũng phải nể.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan cho các ngư phủ là họ sống lênh đênh trên mặt biển từ 3 - 6 tháng trời không thấy đâu là bờ, bến. Những chàng trai 6 tháng trời chưa thấy “một bóng hồng”, khi lên bờ rủng rỉnh vài triệu đồng cho chơi hết cũng là điều dễ hiểu.

“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Câu ông bà đã đúc kết. Trước khi trách những đối tượng “cò” ngư phủ, trách những chủ tàu bất chấp những quy định để tìm ngư phủ, cần phải nhìn nhận rằng hiện tại chưa có tổ chức nào đào tạo ngư phủ. Trong khi đó, các chủ tàu cá lại đang khổ sở với việc tìm ngư phủ (có nơi gọi là bạn ghe) do thiếu người.

Ngư phủ đã là một nghề như bao nhiêu nghề khác. Đó là thực tế. Nhưng có thực tế đắng lòng hơn là nghề này chưa có ai đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người trong độ tuổi LĐ bỏ làng quê để đi Bình Dương, TPHCM làm công nhân.

Làm ngư phủ với thời gian 3 - 6 tháng để có 30 - 40 triệu đồng liệu có cao so với công nhân? Đã đến lúc cần quan tâm đến nhu cầu lao động trên biển, cùng các quyền lợi của họ như một lao động trên đất liền.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/bo-ngo-lao-dong-ngu-phu-629347.ldo