Bộ não giúp LGM-118A tấn công chính xác hơn ICBM mới RS-24

Với 'thiết bị dẫn đường ngày tận thế' (AIRS), tên lửa ICBM LGM-118A Peacekeeper đã loại biên của Mỹ tấn công chính xác hơn cả RS-24 thế hệ mới Nga.

Hệ thống dẫn đường AIRS gồm ba gia tốc kế và ba con quay nằm trong thiết bị hình cầu làm từ kim loại beryllium, phía ngoài là chất lỏng fluorocarbon và ngoài cùng là vỏ bọc cứng. Đây là điều kiện giúp cho quả cầu dẫn đường có thể xoay chuyển theo bất kỳ hướng nào nó muốn.

Nhiếp ảnh gia Miller - người ghi lại bức ảnh về AIRS cho biết: "Các con quay hồi chuyển và gia tốc kế được đặt trong quả cầu cũng như ba van đẩy thủy lực và bơm turbo được sử dụng để duy trì khả năng xác định hướng của quả cầu ổn định".

Module AIRS gắn trên tên lửa ICBM LGM-118A Peacekeeper.

Module AIRS gắn trên tên lửa ICBM LGM-118A Peacekeeper.

Thiết bị này được cấu thành bằng khoảng 19.000 bộ phận khác nhau, module AIRS giúp tên lửa LGM-118A Peacekeeper có sai lệch khi tấn công mục tiêu (CEP) không quá 100 mét. Đây được cho là hệ thống dẫn đường chính xác nhất từ trước đến nay và vượt xa tên lửa ICBM thế hệ mới RS-24 của Nga khi có CEP tới 150 mét.

Chính vì độ tối tân chưa có đối thủ của AIRS khiến các nhà sản xuất phải mất rất nhiều thời gian và chi phí cho mỗi AIRS hoàn thiện. Trang blog Lưu trữ Vũ khí Hạt nhân tiết lộ, tại thời điểm năm 1989, để sản xuất một gia tốc kế duy nhất sử dụng trong module AIRS phải mất 6 tháng và 300.000 USD.

Tên lửa ICBM Peacekeeper được chế tạo hàng loạt từ năm 1984 với kế hoạch thay thế hoàn toàn 50 ICBM Minuteman III thuộc biên chế Trung đoàn tên lửa chiến lược số 400 ở căn cứ không quân F.E. Warren. Sau căn cứ không quân F.E. Warren, 50 ICBM loại này còn được lên kế hoạch trang bị cho Trung Đoàn tên lửa chiến lược số 319 và việc triển khai các đơn vị ICBM mới dự kiến hoàn thành vào tháng 12/1989.

Tại thời điểm được triển khai, giới chức quân sự Mỹ hy vọng, Peacekeeper sẽ phục vụ quân đội Mỹ trong 20 năm. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị gián đoạn vào năm 1986, khi Quốc hội Mỹ yêu cầu ICBM Peacekeeper cần có sự nâng cấp sâu về khả năng cơ động và sống sót trước các dòng ICBM hạng nặng của Liên Xô. Đáp ứng yêu cầu trên, trong thập kỷ 1980, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ (SAC) đã phát triển phiên bản ICBM Peacekeeper phóng từ tàu hỏa (có nét giống với dòng ICBM RT-23 Molodets của Liên Xô).

Cơ cấu của hệ thống này là mỗi đoàn tàu đặc biệt sẽ mang 2 bệ phóng ICBM Peacekeeper được ngụy trang để hoạt động trong hệ thống đường sắt của Mỹ. Điểm khác biệt của hệ thống này so với sản phẩm tương tự của Nga là chúng được triển khai sẵn tại một số nhà ga đặc biệt và chỉ hoat động khi nhận lệnh chiến đấu. Tổng cộng, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai 25 đoàn tàu như vậy với 10 nhà ga đặc biệt vào thời điểm tháng 2/1987.

Tên lửa LGM-118A Peacekeeper.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các vướng mắc về kỹ thuật và yêu cầu kỹ-chiến thuật không đạt yêu cầu đặt ra, SAC đã hủy chương trình ICBM Peacekeeper đặt trên tàu hỏa để tập trung triển khai và nâng cấp phiên bản giếng phóng.

Số phận của ICBM Peacekeeper sau đó được định đoạt bởi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược 2 (START-2) khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận coi LGM-30 Minuteman III là ICBM phiên bản giếng phóng duy nhất của Mỹ. Việc triệt thoái và tháo bỏ ICBM Peacekeeper chính thức hoàn thành ngày 19/9/2005. Các đầu đạn hạt nhân W87/Mk-21 của ICBM Peacekeeper sau đó được hoán cải để phù hợp lắp trên ICBM Minuteman III.

Clip Mỹ phóng tên lửa LGM-118A Peacekeeper

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bo-nao-giup-lgm-118a-tan-cong-chinh-xac-hon-icbm-moi-rs-24-3389321/